Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh góp phần cùng Quốc hội kiến tạo những quyết sách lịch sử Dấu ấn trách nhiệm, trí tuệ, hành động
Sau 35 ngày làm việc khẩn trương, dân chủ, trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV đã khép lại bằng dấu ấn của những đột phá thể chế để cả nước triển khai hàng loạt công việc trọng đại trong ngày 30/6 và 1/7 vừa qua. Ngày hội “Sắp xếp lại giang sơn” diễn ra đồng loạt tại 34 tỉnh, thành phố được đón nhận nồng nhiệt với sự kỳ vọng và niềm tin về tương lai của dân tộc trong kỷ nguyên mới vươn mình.
Dấu mốc lịch sử trong tiến trình đổi mới thể chế
Với cử tri, người dân cả nước, Kỳ họp thứ Chín sẽ được ghi nhớ là một kỳ họp của những đột phá về thể chế, đặt nền móng cho kỷ nguyên của hiện đại hóa, số hóa và phát triển bền vững. Với 34 luật (chiếm 52,3% tổng số luật được ban hành tại 17 kỳ họp của nhiệm kỳ Khóa XV), 14 nghị quyết quy phạm pháp luật được thông qua và 6 dự án luật được cho ý kiến lần đầu - đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ. Cùng tập thể Quốc hội giải quyết khối công việc đồ sộ tại kỳ họp, các vị ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc, đóng góp nhiều tâm huyết, trí tuệ vào thành công chung.

Sáng ngày 16/6/2025, ghi dấu khoảnh khắc lịch sử đã diễn ra khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết số 203/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 với tỷ lệ tuyệt đối 100% đại biểu có mặt (470/470) tán thành. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày được thông qua. Nội dung sửa đổi tập trung vào các điều khoản quan trọng, như: xác định rõ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo; nâng vị thế Công đoàn Việt Nam thành tổ chức chính trị - xã hội đại diện duy nhất ở cấp quốc gia cho người lao động; mở rộng quyền trình dự án luật cho cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; sửa đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng hai cấp và bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Việc sửa đổi Hiến pháp lần này có ý nghĩa quan trọng về mặt thể chế, góp phần hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức đồng bộ bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp vào năm 2026.
Kết quả trên có được từ quá trình làm việc với cường độ, áp lực cao của Quốc hội, các cơ quan liên quan, sự ủng hộ, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; trong đó, các vị ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cũng tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết. Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã có những phát biểu với chiều sâu lý luận và tầm nhìn chiến lược, gợi mở nhiều vấn đề lớn về cải cách bộ máy, hoàn thiện thể chế và bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân; các đại biểu Phạm Đức Ấn, Đỗ Thị Lan, Nguyễn Thị Thu Hà, Trần Thị Kim Nhung cũngliên tục kiến nghị làm rõ các nội dung cốt lõi: từ vị trí pháp lý của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc… cho đến cơ chế giám sát quyền lực khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Với Nghị quyết số 202/2025/QH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, giảm từ 63 xuống còn 34 đơn vị, đại diện cho tỉnh Quảng Ninh - địa phương luôn tiên phong và đã trở hình mẫu về sắp xếp tinh gọn bộ máy, các vị ĐBQH tỉnh đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, bài học sâu sắc từ thực tiễn để quá trình triển khai thực hiện sắp xếp diễn ra thuận lợi, hiệu quả, hạn chế tối đa các xáo trộn. Đặc biệt, với vai trò là Tổ trưởng Tổ thảo luận số 9 (gồm các Đoàn Quảng Ninh, Bến Tre, Tây Ninh), đại biểu Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã điều hành các phiên thảo luận một cách khoa học, trách nhiệm, giúp kết nối đa chiều các ý kiến, nâng cao chất lượng đóng góp chung của Tổ vào thành công của kỳ họp.
Kết quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản
Từ nền tảng Hiến định và cơ sở pháp lý quan trọng trên, trong ngày 30/6 (3 ngày sau khi Kỳ họp thứ Chín bế mạc), cả nước đã đồng loạt tổ chức Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và các địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện; thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp xã để chính thức vận hành mô hình chính quyền hai cấp ngay ngày hôm qua,1/7.
Có thể khẳng định, việc Quốc hội thảo luận và thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp cùng nhiều luật, nghị quyết đồng bộ đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp; điều đó - như khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là minh chứng sinh động của ý Đảng phù hợp với lòng dân, đáp ứng yêu cầu cấp thiết có tính tất yếu khách quan. Như một mốc quan trọng trong lịch sử lập Hiến, lập pháp của Quốc hội Khóa XV, tinh thần của Hội nghị Diên Hồng năm xưa đã một lần nữa được tái hiện thông qua những kết quả mà Kỳ họp thứ 9 đạt được.
Nhìn lại thành công của kỳ họp và đánh giá toàn diện những đóng góp của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh vào nội dung, chương trình nghị sự trong gần 2 tháng làm việc cường độ cao là kết quả của một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản. Báo cáo tổng kết hoạt động của Đoàn cho thấy, trước kỳ họp, Đoàn đã tổ chức tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ 3 điểm cầu trung tâm kết nối đến 100 điểm cầu cấp xã, thu hút tới 10.722 cử tri tham dự. Toàn bộ 10/10 đại biểu thành viên Đoàn đã tham dự, lắng nghe, ghi nhận 10 nội dung kiến nghị lớn thuộc thẩm quyền Trung ương và tổng hợp thành Báo cáo số 144/ĐĐBQH gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Không dừng lại ở đó, 12 hội nghị lấy ý kiến chuyên sâu vào 18 dự án luật cùng việc phát hành văn bản tới trên 460 đơn vị, địa phương để lấy ý kiến cho 38 dự án luật, nghị quyết đã biến công tác chuẩn bị của Đoàn trở thành một cuộc huy động trí tuệ tập thể sâu rộng. Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh - đại biểu thành viên Đoàn, với tư duy lập pháp gắn liền thực tiễn đã liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lấy ý kiến cơ sở để các chính sách về đầu tư công, nhà ở xã hội đi vào cuộc sống. Chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học này đã giúp các đại biểu tự tin, chủ động trong các phiên thảo luận; không chỉ tham gia vào các nội dung kỳ họp dựa trên các báo cáo, tài liệu, các đại biểu còn đóng góp những phát biểu tâm huyết từ chính những số liệu khảo sát, những câu chuyện, bằng chứng sống động từ thực tiễn Quảng Ninh, tạo nên chất lượng, sức nặng cho mỗi đóng góp của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp.