Tham gia Đoàn giám sát, có: GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà.
Đoàn giám sát, kiểm tra thực tế tại xã Bản Sen
Hiện nay, trên địa bàn huyện Vân Đồn có 49 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó, Di tích lịch sử quần thể Thương cảng Vân Đồn được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 2 di tích xếp hạng Quốc gia; 7 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 38 di tích kiểm kê cấp tỉnh.
Nhằm tăng cường công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn, trong thời gian qua, UBND huyện đã ban hành các văn bản để chỉ đạo triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch.
Đoàn giám sát, kiểm tra thực tế công tác duy tu, bảo dưỡng cụm di tích đình, chùa, miếu, nghè Quan Lạn
Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn triển khai tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý di tích, lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Bên cạnh đó, công tác duy tu, tôn tạo, phục hồi di tích được huyện chỉ đạo thường xuyên từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa.
Đoàn giám sát, kiểm tra thực tế công tác duy tu, bảo dưỡng cụm di tích đình, chùa, miếu, nghè Quan Lạn
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Xuân Phương nhấn mạnh, hệ thống di tích, danh thắng trên địa bàn huyện Vân Đồn, trong đó đặc biệt là các di tích nằm trong quần thể Thương cảng Vân Đồn có giá trị đặc biệt về lịch sử. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể di tích này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đoàn giám sát, kiểm tra thực tế công tác lưu giữ, trưng bày hình ảnh lịch sử tại Khu di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo Ngọc Vừng
Đồng thời, đề nghị huyện tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về di sản. Trong đó phải chú trọng công tác rà soát, chuẩn hóa hồ sơ đối với các di tích đã được xếp hạng hoặc đã được kiểm kê. Trên cơ sở đó, chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật các nội dung giới thiệu về di tích.
Cùng với đó, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức lịch sử của đội ngũ cán bộ văn hóa cũng như đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý tại các di tích. Mặt khác, bảo đảm người dân, du khách khi đến tham quan hiểu đúng về giá trị lịch sử, văn hóa của từng di tích. Đây cũng là một trong những vấn đề rất quan trọng để phát huy hơn nữa giá trị các di tích hiện có.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Xuân Phương tặng quà, động viên các gia đình thiệt hại do bão số 3 trên đảo Minh Châu
Trên cơ sở các quy hoạch, huyện cần nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư hạ tầng nhằm phát huy hơn nữa giá trị của các di tích. Qua đó, tạo thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Đưa kinh tế di sản từng bước trở thành động lực phát triển mới cho kinh tế địa phương.
Trong chuyến làm việc tại Vân Đồn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Xuân Phương và Đoàn công tác đã đến thăm hỏi, tặng quà một số gia đình bị thiệt hại nặng về nhà ở, tài sản trong cơn bão số 3 tại các xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Bản Sen, Ngọc Vừng và Thắng Lợi.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Xuân Phương tặng quà, động viên các gia đình thiệt hại do bão số 3 trên đảo Thắng Lợi
Tại các nơi đến thăm, Đoàn đã động viên các gia đình khắc phục khó khăn trong thời điểm hiện tại, sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, khẳng định, ngoài những chính sách hỗ trợ ban đầu đã được triển khai thực hiện từ sau cơn bão số 3 đến nay, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách mang tính tổng thể để phục hồi kinh tế. Trong đó, trọng tâm là các chính sách nhằm hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, sửa chữa nhà ở.
Đoàn công tác tặng quà, động viên các gia đình thiệt hại do bão số 3 trên đảo Ngọc Vừng