Xác định đây là 2 dự thảo Luật rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, nên Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tổ chức lấy ý kiến các doanh nghiệp, cơ quan thuế, Hội Luật gia, Sở Tài chính… tổ chức nghiên cứu, đánh giá, tham gia xây dựng pháp luật.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực thi hành từ năm 2009, đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần để góp phần khắc phục các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.
Sau 16 năm thực hiện, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng, ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, qua tổng kết, đánh giá, bên cạnh kết quả đạt được, nhiều quy định của Luật hiện hành đã bộc lộ những bất cập, hạn chế như: quy định về đối tượng chịu thuế còn chưa thực sự phù hợp với thông lệ quốc tế; mức thuế suất đối với một số mặt hàng chưa phù hợp, phần nào ảnh hưởng đến mục tiêu điều tiết hoạt động sản xuất, tiêu dùng…
Tại hội nghị, các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận các nội dung về: đối tượng chịu thuế (Điều 2); về đối tượng không chịu thuế (Điều 3); về căn cứ tính thuế (Điều 5); về giảm thuế (Điều 10); về thuế suất (Điều 8)...
Trong đó, có ý kiến đề nghị bỏ quy định các loại xe có động cơ chở người có số chỗ ngồi từ 17 đến 24 chỗ ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì các loại xe này chủ yếu phục vụ vận chuyển hành khách, không cần hạn chế sử dụng trong điều kiện giao thông đường bộ ở nước ta vẫn là phổ biến, phù hợp với thông lệ một số nước trong khu vực có điều kiện tương đồng với Việt Nam như Indonesia, Phillipine, Thái Lan.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng bổ sung “nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam, có hàm lượng đường trên 5g/100ml” vào đối tượng chịu thuế. Đây là nội dung nhận được nhiều phản ánh trái chiều của dư luận. Trong đó, có ý kiến cho rằng không nên đưa nội dung này là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì: không có bằng chứng khoa học về sự liên quan giữa tiêu thụ nước giải khát có đường với bệnh thừa cân béo phì; ngoài sản phẩm này thì người tiêu dùng vẫn có thể tiêu thụ đường với hàm lượng cao hơn từ các sản phẩm khác (như các sản phẩm bánh, kẹo,...). Còn có ý kiến cho rằng nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cho đối tượng này thì nên đánh thuế đối với các sản phẩm tương tự để tạo sự công bằng trong sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, có ý kiến là, cần cân nhắc việc thu thuế đối với mặt hàng xăng các loại vì đây là hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng; việc sử dụng xăng gây ảnh hưởng tới môi trường đã được điều tiết thông qua chính sách thuế bảo vệ môi trường.
Đại diện lãnh đạo Cục thuế tỉnh, Sở Tài chính, Sở Công Thương đã có những giải trình, phân tích, làm rõ thêm các nội dung trong các dự thảo Luật.
Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị liên quan, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước nhấn mạnh, Đoàn sẽ tổng hợp, gửi kiến nghị tới Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật.