Chiều ngày 11.9, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam do ông Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH dẫn đầu đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản, giai đoạn 2017 - 2023 tại huyện Quế Sơn.
Theo báo cáo của UBND huyện Quế Sơn (Quảng Nam), với đặc điểm có trên 60% diện tích là đồi núi, Quế Sơn có 41 mỏ đất, 10 mỏ đá vật liệu xây dựng, 7 điểm đất sét và 9 mỏ cát, với tổng diện tích khoảng 540 héc ta.
Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn Nguyễn Phước Sơn cho biết, từ khi Luật Khoáng sản ra đời và các chính sách, cơ chế, pháp luật có liên quan đã giúp cho việc quản lý hoạt động khoáng sản chặt chẽ. Hạn chế khai thác trái phép, bừa bãi. Công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản đã dần ổn định, đi vào nền nếp, thực hiện đúng theo các quy định.
Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương cũng thừa nhận, mặc dù có nhiều khoáng sản nhưng địa phương đang thiếu nguồn cát, sỏi khiến nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ. Nguyên nhân chính là do sự thay đổi các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản đột ngột nên các địa phương chưa chuẩn bị tốt.
Ngoài ra, doanh nghiệp chưa đầu tư công nghệ khai thác, chế biến gắn với bảo vệ môi trường; chưa nghiêm túc cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ; việc ký quỹ để khắc phục môi trường còn quá thấp nên doanh nghiệp khai thác xong thì “tháo chạy”, không hoàn thổ.
Lãnh đạo UBND huyện Quế Sơn kiến nghị các cấp thẩm quyền rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định của pháp luật về khoáng sản theo nhóm; thực hiện phân cấp việc quản lý, cấp phép, khai thác sử dụng khoáng sản theo nhóm khoáng sản. Đồng thời, rà soát cắt giảm bớt quy trình, thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc lập hồ sơ thủ tục khai thác và theo dõi, giám sát của địa phương. Đối với các mỏ khai thác khoáng sản phục vụ các công trình sử dụng ngân sách nhà nước, công trình khắc phục thiên tai, địch hoạ, công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì cần có quy định cụ thể về quản lý, cấp phép khai thác.
Tại buổi giám sát, các thành viên đoàn đặt vấn đề về công tác bảo vệ môi trường tại các mỏ đá, mỏ đất được địa phương thực hiện ra sao; việc hoàn thổ; tính thuế môi trường; việc chống thất thu thuế… Đề nghị địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản, kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm quy định trong khai thác khoáng sản.
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước ghi nhận, đánh giá cao những nổ lực của địa phương trong việc thực thi các chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản. Trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của địa phương cũng như các giải trình từ phía ban, ngành chuyên môn, Đoàn giám sát sẽ tập hợp để đưa vào báo cáo khảo sát, nhằm có những kiến nghị sửa đổi Luật Khoáng sản phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị địa phương tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước trong công tác chỉ đạo quản lý, khai thác khoáng sản, hướng dẫn, giám sát, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực thi chính sách, pháp luật, tổ chức tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông các nguồn lực, giảm thiểu tình trạng khan hiếm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn.
Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, sớm cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này, bảo đảm nguồn cung chính đáng cho thị trường, không gây khó khăn cho người dân có nhu cầu. Kiểm soát chặt không để thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách.
* Trước đó, vào sáng cùng ngày, Đoàn giám sát đã có buổi khảo sát thực tế tại mỏ đá thuộc Công ty CP Sơn Hiệp Phú (Quế Hiệp, Quế Sơn). Tại đây, Đoàn đã có những trao đổi về việc thực hiện các chính sách về pháp luật trong quản lý, khai thác khoáng sản; ghi nhận các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề cơ chế, chính sách, trong đó có nhiều nội dung về thuế.