Tham dự có: Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thái Bình cùng lãnh đạo các sở, ngành, các ban của HĐND tỉnh Quảng Nam.
Trước đó, Đoàn giám sát đã tiến hành khảo sát thực tế tại các mỏ khoáng sản dọc sông Thu Bồn (thuộc địa phận huyện Đại Lộc, Quảng Nam), các mỏ khoáng sản thuộc huyện Phước Sơn, huyện Quế Sơn để nắm tình hình thực tế cũng như ghi nhận các ý kiến, kiến nghị từ phía doanh nghiệp, địa phương.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, hiện nay, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản chưa chấp hành đúng, đầy đủ các quy định pháp luật. Trong đó, một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhất là khai thác cát sỏi lòng sông vẫn còn tình trạng kê khai không đầy đủ sản lượng khai thác; giá bán thực tế không đúng với giá niêm yết, giá thể hiện trên hóa đơn... để trốn thuế. Việc kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế thông qua hệ thống trạm cân, camera giám sát tại khu vực mỏ còn một số bất cập.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cũng thông tin thêm, nguồn cung vật liệu đất san lấp, cát xây dựng trong thời gian gần đây ở một số địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu thi công các công trình, dự án. Tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn một số huyện trung du, miền núi như Phú Ninh và Phước Sơn, mặc dù các ngành chức năng và chính quyền địa phương liên tục tổ chức truy quét, đẩy đuổi nhưng vẫn còn tái diễn.
Về nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bùi Ngọc Ảnh cho rằng, một số nội dung quy định pháp luật về khoáng sản hiện nay còn bất cập, chồng chéo, chưa rõ ràng, còn nhiều cách hiểu khác nhau trong các điều khoản của văn bản quy phạm pháp luật. Ví dụ như quy định chuyển tiếp tại khoản 1 Điều 84 Luật Khoáng sản năm 2010 không thống nhất với Điều 55 của luật, khó thực thi trong điều kiện thực tế. Nhiều nội dung quy định không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, thay thế.
Một số dự án khai thác khoáng sản vướng quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (rừng sản xuất) nên chậm được cấp chủ trương đầu tư, cấp phép khai thác khoáng sản; có dự án khai thác khoáng sản đã được cấp giấy phép nhưng gặp khó khăn, vướng mắc về thỏa thuận đất đai với người sử dụng đất hoặc người dân phản đối, cản trở, không cho khai thác do lo ngại ảnh hưởng môi trường... nên chậm đưa mỏ vào khai thác.
Góp ý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ xem xét, quy định theo hướng gọn nhẹ đối với việc khoanh định và các hồ sơ, thủ tục đăng ký khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (đất san lấp, cát, sỏi) ở quy mô nhỏ (sản lượng khai thác không quá 5.000 m3, thời gian khai thác không quá 1 năm) tại dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản để kịp thời cung cấp nguyên vật liệu thi công các công trình giao thông nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia ở các huyện miền núi; kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản để triển khai thực hiện khi luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành.
Tại phiên làm việc, nhiều ý kiến cho rằng, việc lắp đặt, quản lý trạm cân - camera tại các mỏ khoáng sản chưa phát huy hiệu quả, nhiều doanh nghiệp chỉ lắp “làm màu” chứ không thực chất, gây thất thu nguồn thuế; quy trình cấp phép rườm rà, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng, Cục Thuế tỉnh cũng đề xuất nhiều kiến nghị liên quan đến việc xem xét cho phép cắt giảm thủ tục hành chính cho các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; quy định rõ ràng hơn về các khoản thuế, phí liên quan đến khai thác khoáng sản; bổ sung kịp thời khung giá tính thuế tài nguyên đối với một số loại tài nguyên khoáng sản đã được cấp phép khai thác nhưng chưa quy định mức giá tính thuế tài nguyên như: sản phẩm tài nguyên là “vàng gốc” theo các cấp độ thu được qua sản xuất, chế biến từ quặng vàng…
Phát biểu kết luận phiên giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của các sở, ngành liên quan đến hoạt quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị các đơn vị tiếp tục tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong công tác quản lý khai thác khoáng sản; đẩy mạnh việc tuần tra kiểm soát việc khai thác khoáng sản, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, an ninh trật tự; tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về quản lý khoáng sản cho người dân và doanh nghiệp.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị các đơn vị sớm hoàn thiện các đề xuất, báo cáo gửi về Đoàn giám sát để tập hợp. Trên cơ sở đó, Đoàn sẽ tiến hành góp ý để hoàn thiện Luật Địa chất và Khoáng sản trình Quốc hội thông qua vào thời gian tới.
Trước đó, Đoàn giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã tiến hành khảo sát thực tế tại các điểm mỏ, làm việc với chính quyền địa phương, doanh nghiệp ở Phước Sơn, Quế Sơn, Đại Lộc…