Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An: Đồng hành cùng Quốc hội, gắn bó với cử tri
Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV đợt 1 đang dần khép lại, nhưng hành trình đồng hành cùng cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An vẫn tiếp nối bằng trách nhiệm cụ thể và sự hiện diện bền bỉ. Từ tiếp xúc vùng sâu đến nghị trường Diên Hồng, tiếng nói của Đoàn không chỉ mang theo niềm tin cử tri, mà còn lan tỏa tinh thần lập pháp trách nhiệm, gần dân và vì dân.
Nơi tiếng nói thực tiễn cất lời
Tháng Năm ở Hà Nội, nắng đầu hè chưa kịp hạ nhiệt, nhưng không khí trong Hội trường Diên Hồng đã “nóng” lên theo một cách khác – bởi sức nóng của nghị sự quốc gia. Cải cách thể chế, bảo đảm an sinh, phát triển bền vững, dữ liệu số, giáo dục, tư pháp… mỗi nội dung được mang ra bàn thảo đều chất chứa những trăn trở lớn. Trong dòng chảy ấy, tiếng nói của Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An vang lên mạnh mẽ, giàu lý luận, sâu sắc từ thực tiễn.
Ngay từ những ngày đầu của kỳ họp, đại biểu Thái Văn Thành đã có những chia sẻ tâm huyết khi thảo luận về Luật Nhà giáo: “Khi Luật được ban hành, thầy cô sẽ có một môi trường làm việc an toàn để cống hiến.” Nhưng điều đại biểu mang đến không chỉ là xúc cảm, mà còn là tư duy cải cách chuyển từ “quản lý” sang “quản trị” đội ngũ, tăng quyền tự chủ, phát triển năng lực, tạo dựng niềm tin cho người làm nghề.

Tinh thần đổi mới ấy được tiếp nối trong nhiều phiên thảo luận tại tổ cũng như hội trường. Đại biểu Hoàng Minh Hiếu kiến nghị tạo “vùng an toàn pháp lý” cho giới khoa học, đồng thời phản biện rõ về yêu cầu “truy xuất nguồn gốc hàng hóa” đối với sàn thương mại điện tử – vốn chưa phù hợp với vai trò nền tảng trung gian.
Hay như đại biểu Nguyễn Vân Chi cảnh báo nguy cơ “trộn luật” khi sửa đổi nhiều đạo luật cùng lúc, và tranh luận sắc sảo về chính sách thuế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Còn đại biểu Trần Nhật Minh thì kiến nghị bổ sung thẩm quyền xét xử tranh chấp lao động cho Tòa dân sự thuộc Tòa án nhân dân khu vực, đề xuất quy định rõ trách nhiệm Chánh án và cơ chế xử lý chuyển tiếp… Đại biểu Trần Đức Thuận đề xuất tăng hình phạt với các hành vi nghiêm trọng trong Bộ luật Hình sự và nhấn mạnh: nhân đạo không đồng nghĩa với giảm sức răn đe của pháp luật.
Đặc biệt, tiếng nói của Đoàn Nghệ An lan tỏa cả tinh thần nhân văn. Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền nêu rõ: 90% nạn nhân bị lừa đảo qua mạng là phụ nữ, trong khi sức khỏe tâm thần trẻ em đang báo động. Từ đó, đại biểu kiến nghị lồng ghép yếu tố giới và bảo vệ nhóm yếu thế trong chính sách chuyển đổi số.


Từ giáo dục, công nghệ đến an sinh… mọi ý kiến đều hội tụ ở một nguyên lý: Luật không chỉ “đúng về câu chữ”, mà phải “vận hành được” trong đời sống. Và đó là thứ luật được viết từ hơi thở thực tiễn – nơi các đại biểu Nghệ An đã trực tiếp lắng nghe, quan sát và tổng hợp.
Từ lắng nghe cơ sở…
Bởi trước khi lên tiếng ở nghị trường, các đại biểu đã đi một hành trình dài qua thực tế để hiểu đúng, hiểu đủ những vấn đề hiện hữu trong đời sống Nhân dân.
Trước mỗi kỳ họp, Đoàn đã phối hợp với UBND tỉnh và các Sở, ngành tổ chức khảo sát, TXCT từ miền núi đến đồng bằng: Quỳ Châu, Tân Kỳ, Con Cuông, Nam Đàn, Nghi Lộc, TP. Vinh… Những bức xúc tưởng chừng nhỏ, như: lo ngại rò rỉ thông tin cá nhân khi bán hàng online, hay khó khăn trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp siêu nhỏ… đều được lắng nghe và phản ánh đầy đủ.
Chính từ những chuyến đi ấy, các đại biểu đã tích lũy được chất liệu sống động không chỉ để phản ánh, mà để kiến nghị những chính sách sát với đời sống và trúng với mong đợi của cử tri… Trao đổi với phóng viên, nhiều tiểu thương cho biết: Họ cảm thấy yên tâm hơn khi vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân được các đại biểu đưa ra tại nghị trường, gắn với thực tế kinh doanh online ngày càng phổ biến.


Từ các buổi tiếp xúc, nhiều vấn đề cụ thể đã được mang vào nghị trường. Đại biểu Vi Văn Sơn, Phạm Phú Bình, Trần Nhật Minh, Hoàng Minh Hiếu… ghi nhận các phản ánh về đất rừng, sinh kế, tổ chức bộ máy cấp xã sau sáp nhập. Đại biểu Thái Thanh Quý tiếp xúc tại Nam Đàn, Thanh Chương – nơi cử tri phản ánh nhiều về dữ liệu cá nhân, đầu tư công và tài khóa.
Và tại nghị trường, những phản ánh đó được chuyển hóa thành kiến nghị lập pháp đầy trách nhiệm. Đại biểu Trần Đức Thuận nhấn mạnh: Tinh gọn bộ máy không chỉ là cải cách hành chính, mà là một cuộc “cách mạng” cần sự đồng thuận rộng rãi. Tuy nhiên, để thành công, phải đi kèm nâng cao nhận thức pháp luật trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đại biểu Thái Thị An Chung ngoài phân tích nguyên tắc phân cấp ngân sách, còn đề nghị hoàn thiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tránh mâu thuẫn với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhất là về thẩm quyền của HĐND cấp xã. Với dự thảo sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội, đại biểu đề nghị linh hoạt trong việc xin vắng, đồng thời nhấn mạnh cần phát huy trách nhiệm cá nhân đại biểu, tăng tính phản biện, tránh hình thức trong thảo luận.
Tại tổ 4 – nơi Đoàn Nghệ An cùng Đoàn TP. Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu thảo luận – không khí luôn sôi nổi, thẳng thắn và dân chủ. Trong mạch trao đổi ấy, tiếng nói của Đoàn Nghệ An luôn nổi bật nhờ gắn chặt thực tiễn quản lý, giàu chất lập luận và tinh thần lập pháp trách nhiệm.


Không thể không nhắc đến vai trò của đại biểu Võ Thị Minh Sinh – Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh. Với kinh nghiệm từ công tác Mặt trận, đại biểu là cầu nối hiệu quả giữa ý kiến cử tri và chính sách; đồng thời điều hành nhiều thảo luận tổ một cách dân chủ, hiệu quả... Phát biểu về Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu khẳng định: “Thời điểm này là một dấu mốc để hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội bước sang một giai đoạn mới. Khi trở thành một ngôi nhà chung, tiếng nói sẽ mạnh mẽ hơn, lan tỏa hơn.”
Không chỉ kết nối dân nguyện, đại biểu Võ Thị Minh Sinh còn góp ý sâu sắc về Luật Cán bộ, công chức. Đại biểu nhất trí bãi bỏ các điều khoản cứng nhắc về điều động, đánh giá cán bộ, đồng thời đề nghị đánh giá theo kết quả đầu ra thay vì tỷ lệ hoàn thành chỉ tiêu hình thức. “Nếu không thay đổi tư duy “biên chế suốt đời”, thì sẽ gặp không ít trở ngại trong cải cách công vụ”, đại biểu nhấn mạnh.

Sự hiện diện của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tại các phiên thảo luận cùng Đoàn Nghệ An cũng là điểm nhấn quan trọng – cho thấy sự gắn kết giữa hai kênh dân nguyện lớn: Quốc hội và Mặt trận.
Đến hành động nghị trường vì dân
Đợt 1 của Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV đang dần khép lại. Khoảng nghỉ giữa hai đợt không chỉ là thời gian kỹ thuật mà là nhịp để các đại biểu tiếp tục khảo sát, lắng nghe và chuẩn bị cho đợt 2 – nơi nhiều dự án Luật lớn sẽ được đưa ra quyết định.
Và trong mạch chuẩn bị ấy, cử tri Nghệ An cũng đang dõi theo với nhiều kỳ vọng. Luật Nhà giáo – đạo luật mà đại biểu Thái Văn Thành và Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An dành nhiều tâm huyết chuẩn bị là một trong những kỳ vọng hàng đầu. Bên cạnh đó là các chính sách về miễn học phí, phổ cập mầm non, miễn thuế đất nông nghiệp, và các đạo luật liên quan đến dữ liệu cá nhân, tư pháp, an ninh…

Từ Anh Sơn, cử tri Trần Thị Tân xúc động: “Tôi yên tâm khi nghe đại biểu nói nhiều về chính sách cho vùng khó"...
Ở thành phố Vinh, cô giáo Hoàng Thị Tuyết bày tỏ: “Nếu có Luật Nhà giáo, giáo viên như chúng tôi sẽ có điểm tựa để đổi mới, cống hiến….
Còn ở chợ Phuống (Thanh Chương), chị Hoàng Thị Thủy thẳng thắn: “Khi có luật rõ ràng, người dân buôn bán như chúng tôi yên tâm làm ăn hơn”.
Những lời chia sẻ mộc mạc ấy chính là động lực để các đại biểu thêm thấu hiểu, thêm trăn trở - từ đó chuyển hóa thành hành động nghị trường thiết thực. Từ những kỳ vọng chân thành ấy, có thể thấy cử tri Nghệ An không chỉ mong được lắng nghe, mà kỳ vọng vào sự thay đổi thực chất từ chính sách…
Tính đến thời điểm này, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã có hơn 50 lượt phát biểu tại tổ và hội trường, trải đều trên các lĩnh vực từ giáo dục, khoa học, tư pháp, dữ liệu cá nhân đến tổ chức bộ máy và dân sinh. Đó không chỉ là con số, mà là dấu ấn lập pháp đầy trách nhiệm.






Kỳ họp vẫn tiếp diễn, nhưng hành trình của Đoàn Nghệ An tại đợt 1 đã để lại dấu ấn sâu đậm, không chỉ bởi những phát biểu sắc sảo, mà bởi sự hiện diện bền bỉ giữa nghị trường và cuộc sống. Trong từng dòng luật, từng con số ngân sách, từng quyết sách lớn… có trí tuệ và tâm huyết của đại biểu, và có tiếng nói thiết tha của cử tri xứ Nghệ.
Họ không chỉ là người phát biểu ở hội trường, mà là người đến tận bản làng, đến từng chợ nhỏ, để lắng nghe từ những điều bình dị nhất. Họ không chỉ truyền đạt ý của dân mà còn đồng hành cùng dân… để phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, góp phần kiến tạo những chính sách thiết thực nhất, gần dân nhất.
Và, trong chặng nước rút sắp tới – nơi những đạo luật nền tảng sẽ được biểu quyết…, cử tri Nghệ An có quyền kỳ vọng: Từng ý kiến gửi gắm sẽ tiếp tục được lắng nghe, từng nguyện vọng chính đáng sẽ tiếp tục được phản ánh và chuyển hóa thành hành động.
Bởi sau tất cả, điều quan trọng nhất mà các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã và đang gìn giữ, chính là niềm tin: Niềm tin từ Nhân dân, niềm tin vào một Quốc hội gần dân, hiểu dân, vì dân.