Tại các buổi tiếp xúc, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đại biểu Hoàng Đức Chính đã thông tin đến cử tri dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV; hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh từ sau Kỳ họp thứ Bảy đến nay.
Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV dự kiến khai mạc ngày 21.10 và bế mạc vào ngày 30.11 tới, dự kiến sẽ xem xét, thông qua 16 luật, 2 nghị quyết; cho ý kiến vào 12 dự án luật, đồng thời xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và một số nội dung quan trọng khác.
Để chuẩn bị cho kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã tổ chức xin ý kiến các cơ quan hữu quan và tổng hợp ý kiến đóng góp vào 28 dự thảo luật dự kiến trình tại Kỳ họp; tổ chức giám sát chuyên đề việc triển khai xây dựng, quản lý, khai thác các khu, cụm công nghiệp giai đoạn từ năm 2017 - 2023 và thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn tỉnh...
Bên cạnh ghi nhận, đánh giá cao hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh thời gian qua, tại buổi TXCT huyện Lương Sơn, cử tri các xã, thị trấn trên địa bàn cũng nêu lên một số khó khăn, như: hệ thống lớp học đa số được thiết kế xây dựng theo chương trình kiên cố hóa trường lớp học vùng trung du miền núi, cơ sở vật chất hiện tại chưa đáp ứng theo quy định chung, gây khó khăn trong việc kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, mức hỗ trợ tối đa từ ngân sách nhà nước cho 1 dự án là 60%, còn người dân tham gia dự án phải đối ứng 40% tổng kinh phí thực hiện dự án, do vậy rất khó khăn triển khai thực hiện nguồn vốn (vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, vốn hỗ trợ sinh kế) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Mặt khác, cử tri đề nghị, Đảng, Nhà nước ưu tiên nguồn vốn ngân sách Trung ương, sớm đầu tư tuyến đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội - đoạn qua tỉnh Hòa Bình (huyện Lương Sơn) dài 35,4km, theo Danh mục các dự án quan trọng quốc gia và dự án ưu tiên đầu tư (gồm 26 danh mục) giai đoạn 2021 - 2030; quan tâm hỗ trợ những cá nhân đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú ở các địa phương vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa…
Tại huyện Yên Thủy, cử tri phản ánh, trong những năm gần đây hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do đơn hàng đứt gãy hoặc thiếu nguồn vật tư để sản xuất... dẫn đến thu nhập của công nhân lao động bấp bênh, chưa yên tâm lao động sản xuất.
Cử tri kiến nghị chính quyền các cấp cần tăng cường thu hút đầu tư tạo nhiều cơ chế cho doanh nghiệp phát triển, để khai thác tiềm năng địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Mặt khác, khi doanh nghiệp đăng ký sản xuất kinh doanh phải có cơ chế, có quy định ràng buộc để doanh nghiệp tham gia đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN... theo quy định của pháp luật và thành lập tổ chức công đoàn để bảo vệ, chăm lo cho người lao động tại địa phương.
Đặc biệt, sau khi nghe Đoàn ĐBQH thông báo thời gian, nội dung chương trình Kỳ họp thứ Tám; trong đó, có nội dung xem xét, thông qua dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), cử tri huyện Yên Thủy kỳ vọng vị trí, vai trò, hoạt động của tổ chức công đoàn sẽ ngày càng hiệu lực, hiệu quả; chăm lo tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của công nhân, viên chức lao động.
Phát biểu tại các buổi tiếp xúc, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Bích Ngọc đã ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của cử tri. Đồng thời khẳng định, trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ phân loại những ý kiến thuộc thẩm quyền của địa phương và Trung ương để tổng hợp, xây dựng báo cáo kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ Tám.