Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Ban hành Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết

- Thứ Sáu, 22/10/2021, 16:17 - Chia sẻ
“Trước sự phá hoại của các thế lực thù địch, hoạt động manh động của tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng vũ khí “nóng”, việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động là rất cần thiết. Tuy nhiên, để lực lượng này trở thành đơn vị chính quy, hiện đại thì cần phải có văn bản luật để điều chỉnh từ tổ chức, sử dụng vũ khí, phương tiện, hậu cần phục vụ...” – Phó bí thư, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường nhấn mạnh khi thảo luận tổ về Dự án Luật Cảnh sát cơ động tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV.
Phó bí thư, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường phát biểu

Theo ông Quản Minh Cường, khi lực lượng cảnh sát cơ động sử dụng biện pháp vũ trang trấn áp sẽ động chạm đến quyền cơ bản của công dân, có thể xâm phạm đến lợi ích của tổ chức nhà nước nên việc quy định thành luật sẽ hạn chế được mức thấp nhất, thậm chí không còn hiện tượng lạm quyền, vượt quyền hoặc vi phạm pháp luật. Dẫn ví dụ, một đối tượng dùng lựu đạn khống chế con tin, khi lực lượng Cảnh sát cơ động xông vào giải thoát, nếu đối tượng cho nổ lựu đạn, chiến sĩ cảnh sát cơ động có thể hy sinh, con tin cũng có thể bị tổn hại, những người chung quanh gần hiện trường cũng có thể bị thương tật. “Trong trường hợp này, nếu luật pháp không quy định chặt chẽ, rất dễ dẫn đến tình trạng không dám làm vì quy định không cho phép; còn nếu làm, có thể sẽ vi phạm pháp luật. Do vậy, ở đây luật phải quy định cụ thể trong trường hợp nào được phép tấn công, tiêu diệt” – ông Quản Minh Cường nói.

Về nguyên tắc, cán bộ, công chức chỉ được làm những điều mà pháp luật cho phép, còn công dân được làm những điều mà pháp luật không cấm. Do đó, khi trao quyền, cần thiết phải có quy định chống lạm quyền. Bởi nếu giao quyền lực mà không có cơ chế, chế tài kiểm soát sẽ dẫn đến lạm quyền, xâm hại lợi ích cá nhân, tổ chức. Trong dự án Luật Cảnh sát cơ động đã quy định rất rõ chức năng, quyền hạn, phương tiện, công cụ trong trường hợp nào được sử dụng; và, nếu làm đúng quy định, sẽ chống được lạm quyền.

Toàn cảnh phiên thảo luận Dự án Luật Cảnh sát cơ động của Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Cũng theo Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, lực lượng cảnh sát cơ động là đơn vị được xác định xây dựng tiến thẳng lên chính quy, hiện đại. Vì vậy, để chính quy phải có một bộ máy, tổ chức rất hoàn thiện, cơ cấu khoa học, hợp lý, đào tạo bài bản, trang bị phương tiện hiện đại, chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới. “Trong bối cảnh hiện nay, khi tội phạm sử dụng các phương tiện hiện đại để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, thì chúng ta cần có những thiết bị hiện đại hơn mới trấn áp được. “Do đó, vừa qua Bộ Công an đã thành lập các đơn vị không quân, kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động rất quan trọng để tiến thẳng lên chính quy, hiện đại. Ngoài được trang bị công cụ, phương tiện hiện đại, đòi hỏi Cảnh sát cơ động phải có trình độ pháp luật, hiểu biết và áp dụng pháp luật một cách tốt nhất, song hành với tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ” ông Quản Minh Cường cho hay.

Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, ĐBQH, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai phát biểu

Từ thực tiễn quá trình công tác và giữ cương vị lãnh đạo ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, ĐBQH, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho rằng, cảnh sát cơ động là lực lượng nòng cốt chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013 quy định cơ cấu, gồm: Lực lượng tác chiến đặc biệt; lực lượng cảnh sát đặc nhiệm; bảo vệ mục tiêu; huấn luyện sử dụng động vật nghiệp vụ. Cảnh sát cơ động là đơn vị trực thuộc Bộ Công an, thực hiện cả chức năng, nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội như các đơn vị thuộc lực lượng An ninh nhân dân và Cảnh sát nhân dân.

Về quy định hệ thống tổ chức và cơ cấu lực lượng Cảnh sát cơ động, Thiếu tướng Vũ Hồng Văn đề xuất chọn phương án 1. Bởi theo ông, cơ cấu của lực lượng Cảnh sát cơ động có thể được thay đổi, điều chỉnh theo yêu cầu, tình hình thực tiễn áp dụng biện pháp vũ trang.

Đồng tình với ý kiến của Trưởng đoàn ĐBQH Quản Minh Cường và Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, các ĐBQH tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, để bảo đảm tính thống nhất, tránh trùng lắp về mặt nội dung của hệ thống pháp luật, Luật Cảnh sát cơ động nên xây dựng theo hướng quy định: Cảnh sát cơ động phải kết hợp chặt chẽ biện pháp vũ trang với các biện pháp khác của lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Được biết, Dự án Luật Cảnh sát cơ động được xây dựng dựa trên Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013. Việc nâng thành luật để điều chỉnh phạm vi tốt hơn cho lực lượng Cảnh sát cơ động khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Thực tế, lực lượng Cảnh sát cơ động thuộc Bộ Công an nhưng nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm là sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí để ngăn chặn các hành vi bạo lực, gây rối trật tự công cộng, phá hoại, cản trở, xâm phạm đến lợi ích của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân. Ngoài ra, Cảnh sát cơ động còn thực hiện các nhiệm vụ khác như tuần tra, bảo vệ các mục tiêu quan trọng, vận chuyển hàng đặc biệt.

Thái Bình