Theo các đại biểu tại Hội nghị Lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND do Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương tổ chức sáng 25.9, cơ bản dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật; tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 16a quy định: cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát được lựa chọn phù hợp với chuyên đề giám sát. Theo đại biểu, nếu quy định như vậy dễ gây hiểu nhầm là cơ quan, tổ chức, cá nhân bị giám sát được lựa chọn chuyên đề giám sát. Theo đó, nên điều chỉnh theo hướng: Chuyên đề giám sát cần được lựa chọn phù hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.
Về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại kỳ họp HĐND, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm nội dung không chất vấn những vấn đề đã có trong nghị quyết về chất vấn và nghị quyết giám sát chuyên đề của HĐND trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm chất vấn. Bởi, tại Khoản b Điều 15a có bổ sung: không chất vấn những vấn đề đã có trong nghị quyết về chất vấn và nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm chất vấn. Theo đại biểu, không những Quốc hội và HĐND các cấp cũng nên bổ sung thêm nội dung này để tránh trùng lắp nội dung chất vấn.
Ngoài ra, đối với quy định về chương trình giám sát của HĐND, có ý kiến cho rằng quy định như dự thảo là chưa phù hợp và không mang tính thời sự, vì năm sau HĐND thực hiện chương trình giám sát, nhưng có những nội dung đã được quyết định từ năm trước không còn phù hợp với thực tiễn.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng quy định tại Khoản 3 Điều 73 về giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân là chưa phù hợp. Bởi, bộ phận tham mưu giúp việc HĐND các cấp không có chức năng thực hiện nhiệm vụ giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của cử tri.
Về trách nhiệm của Thường trực HĐND trong việc chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát, dự thảo Luật đã bổ sung thêm một số quy định tại Điều 75a, 75b, 75c và 75d, song chưa được rõ và chưa cụ thể, đề nghị cần cụ thể là rõ hơn. Theo đó, cần quy định rõ đối tượng chủ thể thực hiện điều hoà hoạt động giám sát khi xây dựng kế hoạch giám sát; cũng như quy định rõ nguyên tắc, cách thức điều hoà; thực hiện điều hòa hoạt động của giám sát của các cơ quan…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho biết, trong bối cảnh ngày càng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao quyền cho địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực hoạt động giám sát, HĐND các cấp đã phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, thông qua các hoạt động giám sát thiết thực, phù hợp. Những ý kiến đóng góp tại hội nghị của các đại biểu sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp để trình Quốc hội nhằm sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, bảo đảm Luật sau khi được ban hành có tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn.