Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 chương, 98 điều, được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách gồm: Nhóm các quy định về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu; nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu; nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh; nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) có 8 chương, 72 điều, so với luật hiện hành đã bổ sung 3 chương về nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn.
Cho ý kiến về quy định lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Trưởng phòng Đấu thầu, Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội Nguyễn Hữu Lợi cho rằng, trong tình huống cấp bách thì giao thầu là phương án hiệu quả, trong đó sẽ giao thầu luôn cho các nhà thầu, nhà đầu tư có uy tín, không phải thực hiện các quy trình hồ sơ mất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, một số đại biểu khác cho rằng, mục tiêu, quan điểm sửa đổi luật là nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, nhưng cơ quan soạn thảo lại mở rộng phạm vi các trường hợp được chỉ định thầu, điều này cần rà soát, làm rõ lý do của những trường hợp bổ sung được áp dụng hình thức chỉ định thầu. Bởi theo nguyên tắc nên hạn chế chỉ định thầu, chỉ trong trường hợp thực sự cấp thiết và có lý do chính đáng mới tổ chức chỉ định thầu.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng đề nghị Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần có chương riêng về đấu thầu thuốc hoặc nội dung này cần được Chính phủ hướng dẫn cụ thể. Ông Nguyễn Đình Hưng nhận định, về thẩm quyền mua sắm thuốc, bệnh viện hiện đã thực hiện tự chủ nhưng thuốc phải do Bộ Y tế, địa phương thẩm định, phê duyệt. Việc này sẽ đánh mất sự tự chủ, thời gian mua sắm thuốc kéo dài, không đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh.
Đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước nằm trong danh mục nhà nước định giá, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chỉ ra bất cập khi Bộ Y tế quy định giá tối đa, địa phương quy định giá cụ thể dẫn đến có thể xảy ra tình trạng mỗi địa phương có một giá khác nhau. Vì vậy, cần quy định Bộ Y tế quy định thống nhất toàn quốc về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Về quy định lập Quỹ Bình ổn giá trong Luật Giá (sửa đổi), nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, Bộ Tài Chính Vũ Đình Ánh cho rằng, nên từng bước bỏ quy định về lập quỹ bình ổn giá, đặc biệt là Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Về thực chất đây là biện pháp bình ổn giá có thời hạn và nhà nước còn có sự can thiệp bằng biện pháp hành chính vào hoạt động kinh tế, không còn phù hợp trong nền kinh tế thị trường. Nói chung, trong kinh tế thị trường, vấn đề giá nên để thị trường quyết định, Nhà nước giữ vai trò quản lý và giám sát việc tuân thủ luật pháp về giá.
Thay mặt Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho biết sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến tại hội nghị để các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV sắp tới.