Ngày 10.9, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam do Phó trưởng đoàn chuyên trách Dương Văn Phước dẫn đầu cùng lãnh đạo các sở, ngành, các ban của HĐND tỉnh đã tiến hành khảo sát thực tế tại các mỏ khoáng sản dọc sông Thu Bồn (thuộc địa phận huyện Đại Lộc, Quảng Nam).
Theo đó, Đoàn đã đi thuyền dọc sông Thu Bồn để kiểm tra việc khai thác khoảng sản là cát, sỏi tại khu vực chân cầu Giao Thủy do Công ty TNHH Quang Cử (trụ sở tại thôn 1, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) quản lý, khai thác. Tại đây, đoàn cũng đã làm việc với chính quyền địa phương cũng như đại diện doanh nghiệp về việc thực hiện các chính sách pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Quang Cử, doanh nghiệp này được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cấp giấy phép số 716/GP-STNMT năm 2022 và tổ chức đi vào hoạt động khai thác, kinh doanh từ ngày 5.12.2022. Trong đó, trữ lượng khai thác của mỏ là 99.200 m3 (cát: 96.363 m3; sỏi: 2.837 m3); thời gian đề nghị cấp phép khai thác là 2 năm 8 tháng, kể từ ngày ký giấy phép. Công suất khai thác 38.000 m3 nguyên khối/năm.
Trao đổi tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát nêu lên một số vấn đề nổi cộm tại mỏ cát Quang Cử mà người dân bức xức, kiến nghị như: việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường tại mỏ, quá trình giám sát khối lượng khoáng sản khai thác được từ lòng sông, hoạt động của trạm cân, camera giám sát, công tác thu thuế... đối với mỏ cát Quang Cử đặt ra nhiều câu hỏi còn để ngỏ.
Trong đó, có ý kiến về việc đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc khai thác cát, sỏi ở khu vực xung quanh cầu Giao Thủy gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến kết cấu bền vững của cầu; gây tình trạng sạt lở hai bên bờ sông... Các đại biểu cũng đặt vấn đề tại sao vào thời điểm kiểm tra hoạt động của khu mỏ không thấy các tàu hút cát, tàu vận chuyển cũng như xe cộ di chuyển ra – vào mỏ? Trong khi theo quan sát hai bên bờ sông (lân cận khu vực này) tập trung khá nhiều tàu?
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam Bùi Ngọc Ảnh cho biết, qua một thời gian thực hiện thì Luật khoáng sản hiện hành đã xuất hiện nhiều bất cập, vướng mắc, cần sửa đổi. Trong đó, các thủ tục về thời gian cấp phép thăm dò và thời gian khai thác cách xa nhau. Điển hình như khu mỏ của Công ty TNHH Quang Cử được cấp phép thăm dò từ năm 2015 nhưng đến năm 2022 mới cấp phép khai thác. Ngoài ra, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cũng thừa nhận việc kiểm soát khối lượng doanh nghiệp khai thác có đúng theo giấy phép quy định hay không rất khó khăn, đòi hỏi sự tham gia của nhiều ban, ngành liên quan.
Kết luận buổi khảo sát, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách Dương Văn Phước ghi nhận những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc tuân thủ các chính sách pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, chăm lo đời sống của người dân trong khu vực.
Đối với những ý kiến của các thành viên đoàn giám sát thì đề nghị cập nhật và có báo cáo cụ thể về Đoàn giám sát để làm cơ sở kiến nghị sửa đổi pháp luật liên quan. Đề nghị mở cát Quang Cử thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản, nhất là việc thực hiện các nghĩa vụ của công ty trong khai thác mỏ, nộp các khoản thuế và phí theo đúng quy định.