Cơ bản nhất trí về tên gọi và sự cần thiết phải có Luật Phòng, chống rửa tiền và cần phải sửa đổi Luật Tài nguyên nước, các ý kiến cho rằng, cần quy định khái niệm “rửa tiền” và khái niệm “tài sản” như quy định trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Dân sự để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, thuận lợi trong thực thi pháp luật. Việc quy định hạn mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo được nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc, bởi giao dịch với giá trị lớn không hẳn đã là rửa tiền. Mặt khác, nếu quy định tiêu chí giá trị lớn thì khách hàng sẽ chia tài sản có giá trị lớn thành nhiều khoản nhỏ, khi đó việc phòng, chống rửa tiền có thể sẽ bỏ sót các hành vi này.
Đóng góp vào Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các đại biểu đều khẳng định, sau 12 năm thi hành Luật cho thấy, về cơ bản các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước đã được thể chế hóa trong Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, nhiều chế định pháp lý của Luật Tài nguyên nước không còn phù hợp với thực tế. Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần có các quy định mới nhằm tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế, sử dụng các loại thuế, phí, lệ phí và các nguồn thu khác phục vụ quản lý, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên nước.