Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh năm 2022, những tháng đầu năm 2023.
Theo đó, trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, kinh tế - xã hội nói chung, hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh Nam Định có những kết quả khả quan: tổng sản phẩm GRDP tăng bình quân khoảng 8,5%/năm (đặc biệt năm 2022 tăng 9,07%; quý I năm 2023 tăng 7,7%, xếp thứ 15 toàn quốc); chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14,3%; xuất khẩu đạt 3 tỷ USD, thu ngân sách đạt gần 8.000 tỷ đồng; năm 2022 tổng vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 16,5% so với năm 2021; quý I năm 2023 tăng 13,2% so với cùng kỳ...
Có 182/204 xã, thị trấn toàn tỉnh (bằng 89%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; toàn tỉnh đã có 329 sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có bước phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo... tỉnh đã tiếp nhận, ứng dụng nhiều quy trình công nghệ, xây dựng 15 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ sản xuất liên kết chuỗi trong các lĩnh vực kinh tế chủ lực...
Thời gian qua, đã có nhiều dự án đầu tư được thẩm định công nghệ, trong đó có các dự án có sử dụng công nghệ phức tạp như: Dự án Nhà máy gang thép xanh Xuân Thiện Nam Định; Dự án Nhà máy cán thép Xuân Thiện Nghĩa Hưng… Tỉnh Nam Định đã nỗ lực quan tâm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), hỗ trợ doanh nghiệp..
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nam định Phạm Gia Túc nêu rõ, tỉnh Nam Định thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX trong bối cảnh là tỉnh nông nghiệp, sản xuất công nghiệp chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, công nghệ cao, hệ thống hạ tầng phục vụ kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã tập trung tối đa nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông; các khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường thu hút đầu tư, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.
Trong thời gian tới, tỉnh Nam Định mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp, đỡ hỗ trợ tỉnh vươn lên trở thành trung tâm khoa học và công nghệ của vùng Nam đồng bằng sông Hồng theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23.11.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với quyết tâm xây dựng, phát triển Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, tỉnh kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ Nam Định một số nội dung sau: Tiếp tục hỗ trợ tỉnh về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để xây dựng và phát triển Nam Định thành tỉnh phát triển mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất công nghiệp phát triển mạnh với công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Chúc mừng những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh Nam Định đã đạt được, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao tinh thần chủ động, sáng tạo của Nam Định, đã tích cực trao đổi kinh nghiệm, chủ động ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy định quản lý nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất.
Bộ trưởng cũng đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nam Định cần tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát hơn nữa đối với hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, có giải pháp huy động mọi nguồn lực trong đó quan tâm đến giải pháp thu hút nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ nhất là của các doanh nghiệp, nhà sản xuất..., phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm của địa phương cho hoạt động khoa học và công nghệ. Có kế hoạch, chương trình cụ thể triển khai Nghị quyết 14 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng vùng đồng bằng sông Hồng phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức khoa học và công nghệ; các doanh nghiệp... Tiếp tục đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao...