Quy định cụ thể việc sử dụng ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết trong hoạt động công chứng
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 79 điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 11 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.
Liên quan đến quy định về tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng, Điều 6 của dự thảo Luật quy định “Tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng là tiếng Việt”. Cùng đó, tại khoản 3 Điều 47 dự thảo Luật nêu rõ “Trường hợp người yêu cầu công chứng không thông thạo tiếng Việt thì họ phải có người phiên dịch”.
Phân tích rõ hơn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng, quy định như dự thảo Luật có thể hiểu là, trong mọi trường hợp hoạt động công chứng chỉ sử dụng tiếng nói, chữ viết bằng tiếng Việt; nếu có người yêu cầu công chứng không thông thạo tiếng Việt thì phải có người phiên dịch. Điều này chưa thể hiện rõ chính sách của Nhà nước ta về sử dụng tiếng nói, chữ viết của 53 dân tộc thiểu số đã được quy định tại khoản 3 Điều 5 của Hiến pháp năm 2013 là “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”.
Mặt khác, khoản 3 Điều 2 dự thảo Luật quy định thực hiện công chứng cho cả cá nhân, tổ chức nước ngoài có yêu cầu công chứng giao dịch theo quy định của Luật này. Vì vậy, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu chỉnh lý Điều 6 dự thảo Luật theo hướng: sử dụng tiếng nói, chữ viết bằng tiếng Việt trong hoạt động công chứng, đồng thời cần đề cao việc sử dụng tiếng nói, chữ viết của cá nhân, tổ chức thuộc các dân tộc thiểu số khi yêu cầu công chứng, bao gồm sử dụng phiên dịch và sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong trường hợp công chứng viên là người dân tộc thiểu số thông thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.
Đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài thuộc nhiều quốc gia khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, thì cần quy định cụ thể hơn việc sử dụng ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết để đáp ứng yêu cầu cho hoạt động công chứng khi các cá nhân, tổ chức nước ngoài yêu cầu công chứng.
Bảo đảm thời gian hành nghề của công chứng viên còn ít nhất 1 nămsau bổ nhiệm
Để nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng, dự thảo Luật lần này đã bổ sung quy định về độ tuổi hành nghề của công chứng viên không quá 70 tuổi (Điều 8).
Góp ý vào nội dung này, nhiều đại biểu nhấn mạnh, độ tuổi hành nghề của công chứng viên phải khả thi, phù hợp với thực tiễn và cần phân biệt tiêu chuẩn về độ tuổi khi xem xét, bổ nhiệm với độ tuổi hành nghề công chứng của công chứng viên. Từ thực tiễn hoạt động nghề công chứng cho thấy, hoạt động hành nghề công chứng hay nghề công chứng là nghề có độ rủi ro cao (buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp). Trong khi đó, công chứng viên cao tuổi hành nghề có thể gặp nhiều khó khăn hơn từ khâu tiếp nhận, soạn thảo cũng như đối chiếu giấy tờ... Điều này ảnh hưởng đến chất lượng của văn bản công chứng trước thực trạng giả mạo giấy tờ, giả mạo người yêu cầu công chứng ngày càng có xu hướng tăng cao.
Cùng mối quan tâm, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng đề xuất cần sửa đổi quy định này với sự phân biệt rõ tuổi bổ nhiệm và tuổi hành nghề. Bởi, hoạt động công chứng đòi hỏi cao về tính xác thực của giao dịch. Đây là điều kiện khó về sức khỏe, sự minh mẫn đối với công chứng viên khi đã cao tuổi. Các nước trên thế giới đều có quy định rất chặt chẽ về độ tuổi hành nghề của công chứng viên. Vì vậy, quy định “không quá 70 tuổi và bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng” như Điều 8 dự thảo Luật là chưa rõ ràng trong việc phân biệt độ tuổi bổ nhiệm và độ tuổi hành nghề.
PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng kiến nghị quy định trong dự thảo Luật theo hướng “Bổ nhiệm và hành nghề công chứng không quá 70 tuổi, bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.” Ngoài ra, cần quy định chi tiết đều kiện chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật có hiệu lực thi hành, thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành nhằm bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng.
Bên cạnh đó, TS. Lại Thị Bích Ngà - Học viện Tư pháp cho rằng, dự thảo Luật đưa ra quy định về độ tuổi tối đa là một trong những tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên là phù hợp về mặt khoa học và thực tiễn hành nghề công chứng. Tuy nhiên, việc ghi nhận điều kiện về độ tuổi hiện nay vẫn còn điểm chưa hợp lý, có thể dẫn đến tình trạng công chứng viên sau khi được bổ nhiệm là hết thời gian hành nghề. Do đó, dự thảo Luật cần quy định cụ thể về việc công chứng viên chỉ được hành nghề công chứng đến đủ 70 tuổi; còn đối với độ tuổi bổ nhiệm cần bảo đảm sau khi được bổ nhiệm, thời gian hành nghề của công chứng viên phải còn ít nhất 1 năm.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy tới. Phát biểu kết luận hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba ghi nhận và đánh giá cao ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời nêu rõ, các ý kiến tại hội thảo sẽ được nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ, góp phần cung cấp thông tin tham khảo phục vụ quá trình thẩm tra cũng như cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật.