Đô thị tự phát: những điều nhìn thấy ( Phần 1)
Sang thế kỷ này, thủ đô mở rộng, đô thị hóa như vũ bão. Cỗ xe thô sơ phải chạy với tốc độ “Công thức I”. Những tảng cấu trúc dân cư cũ rơi xuống. Những tập đoàn đồng hương đồng môn đồng nghiệp… mọc lên. Khái niệm “nhóm quyền lợi” ra đời và ngày càng hay được nhắc đến.
>> Đô thị tự phát: những điều nhìn thấy (Phần cuối)

Nhà văn Hồ Anh Thái có lần “cho” nhân vật của mình, từ máy bay nhìn xuống, thấy nhân sinh bên dưới tựa đàn kiến. Cái ý nghĩ có vẻ khinh bạc ấy, nếu chĩa vào Hà Nội bây giờ, cơ hồ như còn trân trọng chán. Kiến là loài có kỷ luật, bầy đàn được tổ chức tốt, kiểu như gặp nhau trao đổi thông tin qua râu là hiểu đường này đi được hay không. Thành ngữ “vỡ tổ” có lẽ chỉ đúng khi chúng bị dội nước, như cách mấy cô bé đã làm trong Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài. Còn thành phố của chúng ta lại quá nhiều quy luật, chiều hướng chồng lấp nghịch ngược nhau, lắm lúc đem lại cảm giác hỗn độn. Đó có phải là một nhận xét bi quan?
Cung cách đi đường
Thế thì quan sát cung cách đi đường của người đô thị chúng ta trước. Kẻ mới mua ô tô toe toe khoe còi to. Xe máy lạng lách, “chảy” theo quy luật nước vào chỗ trũng. Xe đạp đủng đỉnh. Ông nào cũng có “luật” của mình, cứ như cái khái niệm “phần đường không phải của mình” không tồn tại. Những anh quê ra gặp người làng tâm sự dăm ba câu giữa đường. Những chị sành điệu vừa lượn SH, Dylan vừa nhoay nhoáy bấm điện thoại. Người ta chửi cảnh sát giao thông ác, “có tý cũng phạt”, trong khi những ông này lại “chán chả buồn phạt” dân nghèo hay người đi xe đạp. Vắng bóng cảnh phục là đi tắt, vượt đèn đỏ, chết ai đâu mà kiêng. Cho nên ai chấp hành luật thành ngu, người nước ngoài sợ rúm người khi được phép qua đường.
Phố ta nhiều kẻ quê, mà tình quê rất quý. Nên hai ông va chạm sắp đánh nhau, nhận ra giọng đồng hương thì cảm động cùng tiến vào quán bia ngay. Những đội sếp Tây như trong truyện Nguyễn Công Hoan bị lên án. Đã chẳng có máu đồng bào thì chớ, bọn “Min đơ Min toa” này lại ác, cứ nhè thằng vứt chuột chết ra đường, con khạc nhổ lung tung mà phạt. Chúng nó đại diện cho đế quốc, mà đã đế quốc thời cái gì cũng là đồ hủi, nên bỏ. Các vị đại diện pháp luật ít nhiều có thái độ hiền từ trước thói đi đường xấu. Nhưng gần đây, nghe nói công an Hà Nội cho phép cảnh sát giao thông được hưởng một tỷ lệ trong tiền phạt, dù sao sự nghiêm khắc cũng tăng lên được.
Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho cảnh sát giao thông, cũng không thể nói thành phố toàn người “đi láo”. Sang mấy năm cuối của thập kỷ đầu tiên trong thế kỷ XXI, cũng có những quy định, những công trình để khắc phục, như xây cầu vượt, làm rào chắn chỗ giao lộ bắt đi vòng…, kể thì cũng là chịu nghĩ chịu làm chịu chi. Nhưng vẫn toàn “thành tích khắc phục”, chứ cái nguyên nhân thì không (thể?) đụng đến. Đây cũng là điều dễ thấy khi trông sang trật tự xây dựng.
Chung cư, phố cổ, phố Tây và quy hoạch
Hiển nhiên phải kể trước cái hình ảnh thành phố đang vươn lên tầm cao ở nghĩa đen. Mấy chục khu đô thị mới có trường học, siêu thị, khu vui chơi, thậm chí mặt nước, cây xanh xuất hiện. Hàng trăm chung cư hai ba chục tầng vừa tiết kiệm đất vừa đem lại hình thái mới cho sinh hoạt đô thị: hàng xóm biệt lập không biết nhau, rác đổ vào “ống”, điện nước khí đốt gửi xe có bộ phận quản lý, sáng ra cả nhà chui ô tô vào trung tâm bố mẹ đến sở con học trường “cao cấp”, chủ nhật đi siêu thị mua đồ ăn cho cả tuần. Ở nhà này khổ nhất những bà cụ quê ra, dù con giàu có ngất ngưởng mà không tìm đâu ra đồng hương, thậm chí bị “nhốt”. Ôsin thì giải quyết nỗi nhớ nhà dễ hơn, tối đến bế con chủ xuống sân trước là tha hồ “buôn” với người cùng đẳng cấp. Căn hộ biệt lập, từ gia đình đến cá thể đều được giải phóng khỏi quan niệm, “quy định” xã hội, cũng nên được đánh giá là một sự tiến bộ.
Có lẽ từ tâm lý cần đất, quý đất của nông dân, nhiều người có của vẫn thấy mình “không có đất” khi ở chung cư. Căn hộ liền kề xây trên đất chia theo lô (đã chấm dứt từ cuối thế kỷ trước) “sang trọng” hơn, hình thành nên khái niệm “nhà công ten nơ”. Sang nữa là những khu biệt thự nhà cửa khuất sau tán cây, tiếc là tâm lý tận dụng vẫn còn đó, nên ít người tôn trọng tỷ lệ nhà - đất khi xây dựng. Không ít chủ, khi kiến trúc sư vẽ tầng một có độ cao quá 4 mét đã “hay là làm gác xép”. Tuy nhiên, chung cư cao cấp hay biệt thự im ỉm đều ít nhiều mang lại dáng vẻ “kiêu sa” cho thành phố, tất nhiên lại làm nảy nở sự so sánh rằng “xã hội đang phân hóa ghê quá”. Và không làm chung cư cao tầng thì đất đâu mà chia mãi!
Cạnh khu đô thị mới thường là làng cũ, cư dân là chủ ruộng đất đã bị lấy. Bỗng nhiên được thành công dân phường, người nội thị hẳn hoi, sang quý thay, họ lại phải đối mặt với tình trạng là nông dân mà không còn đất. Buôn bán, làm thợ, học hành thành trí thức… đều không biết, cầm đống tiền đền bù mất ngủ kinh khủng. Chưa kể ao hồ lấp hết, nước thải chả biết đổ đi đâu, chưa kể cha mẹ muốn chết vì con cái đòi chia tấc đất - tấc vàng hay chơi bời nghiện ngập.
Còn cái lõi của đô thị - khu phố cũ, khu phố Tây và lân cận thì sao? Chật ních. “Phố cổ sống khổ”, ít người tưởng ra điều ấy khi nghĩ về Ba Sáu Phố Phường. Ăn uống ngon, trường học tốt, nhưng ô nhiễm, bất tiện kinh khủng. Thành phố không cho xây cao nên gia đình sinh hoạt trong mươi mét vuông. Hàng Ngang Hàng Đào tiền nong dư dật thì thường bên dưới là dân đến sau, thuộc sở hữu nhà nước, bên trên anh cũ bị cải tạo những năm sáu mươi thế kỷ trước còn sở hữu, không thể thống nhất để sửa sang được. Ai mà ngờ trong khu vực mỗi mét vuông giá ba bốn chục lạng vàng, “tiền đè chết người”, buôn bán rầm rập thuế đóng nhiều nhất thành phố, vẫn còn hố xí xập xệ, cống rãnh ứ trệ. Rất khổ, kể cả khi được phường quận “bầu” lên làm “Gia đình văn hóa tiêu biểu” vì có vài bốn thế hệ cộng sinh hiền hòa.
Trông sang khu phố Tây, không còn mấy cái hình ảnh sang trọng, biệt thự êm đềm ẩn sau cây cối. Nhà bồi nhà bếp đằng sau chia nhau lên tầng, phía trước xuất hiện ki ốt rồi cũng lên tầng. Ngôi nhà chính các gia đình thành viên chia cắt, sàn gỗ không đánh xi, cầu thang bước chỉ sợ sập, máng sành vỡ rỉ nước bẩn, ban công không ngăn lại thành bếp thì cũng um khói róm than tổ ong. Các khu tập thể cũ như Kim Liên, Trung Tự, niềm mơ ước của công chức cấp sở ngày nào, người ta đục tường nới ban công nới cả tầng bằng “con sơn” đưa ra, kết cấu nhà bị phá vỡ nguy hiểm kinh khủng. Sân chơi cho trẻ con, người già bị lấn dần dần, trường kỳ, nhà mới mọc lên có cửa sổ trông sang nhà cũ rất hồn nhiên. Liệu có thể nói hình ảnh chính của kiến trúc – xây dựng khu nội thị bấy nhiêu năm qua là cơi nới?
Quy hoạch là chứng cứ về tầm vóc nhà quản lý với đô thị của mình, và sự ổn định của đô thị ấy. Vai trò của Piốt Đại đế với Xanh Pêtécbua, của vua Lui (mười mấy?) với Pari đã rất rõ. Những nguyên tắc của quy hoạch trường tồn vài thế kỷ dù chế độ chính trị luôn thay đổi. Ta thì Lý Công Uẩn khi dời đô ra Thăng Long đã vượt khỏi tầm một thủ lĩnh quân sự, bước sang thời đàng hoàng bang giao thiên hạ. Nhưng chuyện đó lâu quá rồi. Hà Nội gần đây có quy hoạch tổng thể không?
Tất nhiên có! Hình như cái đầu tiên do Liên Xô vạch ra. Sau đấy chiến tranh liên miên xen với hòa bình, xây dựng, nó được điều chỉnh nhiều lần. Những ý đồ đưa thủ đô lên Vĩnh Yên, Xuân Hòa, Xuân Mai (chữ “Xuân” nhiều thật). Những chọn lựa lấy đâu làm trung tâm. Bao nhiêu lần quyết định là bấy nhiêu công sức, toan tính, và nông dân mất thêm ít đất. Quy hoạch thủ đô, cả quy hoạch từng vùng trong đó, đôi lần được đem ra báo cáo, lấy ý kiến. Và những đề đạt, trong đó có “cái” của kiến trúc sư Trần Thanh Vân lấy vùng giữa hồ Tây và sông Hồng làm “nhân” thành phố. Tóm lại là nhiều quá, khiến tâm lý “ta không có quy hoạch lâu dài” xuất hiện, rất bất an.
Thế giá trị của những quy hoạch ấy thế nào? Chỉ xin quay lại Bờ Hồ, “lẵng hoa giữa lòng thành phố”, không gian văn hóa - lịch sử mà ai tới thủ đô cũng phải tìm cách đi bộ đủ một vòng. Nó đã đứng vững được “khoảng” trăm năm, từ khi người Pháp xây tòa Thị chính xinh xắn, phố Hàng Khay chỉ lấp xấp hai ba tầng. Được bảo vệ bằng “luật” rằng các kiến trúc quanh đó không thể nhô cao hơn tầm 30 độ so với mặt nước, con hồ huyền thoại “tránh xa” được các kích thước cỡ Nhà thờ lớn. Duy nhất có Thủy Tọa lấn sang mặt nước được nhưng cũng khiêm nhường. Tình hình liên tục xấu đi từ khi khát vọng phồn vinh trỗi dậy. Sau đổi mới, ai có điều kiện - trước hết là tiền và quyền lực - đều muốn in dấu ấn lên khu vực huyền thoại này. Nhà bưu điện vuông vức, khối nặng chạy quá dài. Tòa Thị chính mới in lên nền trời đường nét nghiêm khắc. Do là đôi công trình nhà nước, báo chí không thể làm gì. Nhưng họ đã ầm lên khi khách sạn Hà Nội vàng và ngôi “Hàm cá mập” thành hình, khiến cả hai phải cắt bớt kích cỡ, kiểu dáng đè nén định có. Thế rồi khi một cơ quan (lại là “ông” Nhà nước) định lên trụ sở đồ sộ “đè” hẳn “luật” 30 độ nói trên, các bên hữu trách như thành phố, Bộ Xây dựng… đã “phối kết hợp” sửa quy hoạch khu vực Bờ Hồ để không ai nói gì được. “Sửa” mỗi chỗ đó, xong đóng lại không cơi nới thêm trường hợp nào nữa. Mới đây, Điện lực Việt Nam lại mở cuộc xâm lăng đè chết không gian huyền thoại bằng tòa siêu thị phía Đông, nhưng thất bại; may là báo chí lại được mở mồm.
Hồ Gươm, lẵng hoa giữa lòng thành phố, nếu không được bảo vệ bằng một sắc lệnh cỡ Chiếu dời đô, lúc nào cũng bị đặt dưới hỏa lực của khát vọng hiện đại hóa.
Lạ, là trong bối cảnh ngặt nghèo ấy dân kiến trúc vẫn mơ màng một không gian còn tươi xanh, đậm tính lịch sử - văn hóa hơn cho Bờ Hồ. Lê Thị Kim Dung, mới đây là Hoàng Thúc Hào, đã giành giải thưởng quốc tế khi muốn có đường đi bộ, giảm bớt tiếng động, xe khói quanh hồ, làm cho nó thật gần gụi thiên nhiên. Tất nhiên đó chỉ là ý tưởng. Tin rằng ai đó thực hiện điều mình nghĩ ra, họa có là phát rồ. Kiến trúc sư cứ thi, giành giải để tỏ rằng “tôi cứ giữ quyền mơ mòng đấy”, hay vì cái gì?