Đô thị thông minh giám sát phòng, chống dịch

- Thứ Năm, 09/09/2021, 06:54 - Chia sẻ
Thông qua dịch vụ phản ánh hiện trường (Hue-S) và giám sát đô thị qua cảm biến camera, rất nhiều trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Cùng với đó, còn có đường dây nóng kết nối với các lực lượng y tế, công an, chốt kiểm soát… để tiếp nhận và xử lý thông tin người dân phản ánh.
Một góc IOC Thừa Thiên Huế nơi tiếp nhận các thông tin từ người dân cũng như từ hệ thống camera
Một góc IOC Thừa Thiên Huế nơi tiếp nhận các thông tin từ người dân cũng như từ hệ thống camera

Nhiều trường hợp vi phạm bị xử phạt

Trong những ngày bình thường, những dịch vụ của Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) Thừa Thiên Huế đã vận hành, tiếp nhận, xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm. Khi tình hình dịch diễn biến căng thẳng như hiện nay, hệ thống này đã cho thấy sự hiệu quả trong ứng dụng công nghệ vào đời sống thực tiễn.

Một sáng sớm giữa tháng 8.2021, người dân phát hiện một trường hợp nhảy tàu xuống địa phận TP. Huế. Nghi ngờ về trường hợp này trở về từ vùng có dịch, người dân ngay lập tức đã báo thông tin đến cơ quan chức năng cũng như phản ánh thông tin về IOC Thừa Thiên Huế.

Thông qua dịch vụ giám sát đô thị qua cảm biến camera, lực lượng đã truy lùng dấu tích của trường hợp này. Camera đã ghi lại rất rõ, sau khi nhảy xuống từ tàu hàng, nam thanh niên này đứng đợi bạn gái đi xe máy đến đón về nhà để trốn cách ly. Quá trình di chuyển bằng xe máy đã được camera ghi lại.

Từ manh mối camera ghi lại, ngay trong sáng cùng ngày, lực lượng chức năng đã đến tận nhà của trường hợp nêu trên để làm việc. Qua lời khai ban đầu, đối tượng tên T.V.M nhảy lên tàu hàng từ ga Kim Liên (Đà Nẵng). Lợi dụng khi tàu hàng ngang qua khu dân cư chạy chậm, nam thanh niên đã nhảy xuống tại kiệt 128 Phan Chu Trinh, TP. Huế.

Thông qua dịch vụ phản ánh hiện trường bằng cách tiếp nhận thông tin, hình ảnh, clip của người dân gửi về, nhiều trường hợp vi phạm đã bị lập biên bản, xử lý nghiêm. Đơn cử, mới đây, IOC Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận thông tin từ người dân ở thị xã Hương Thủy về một quầy internet hoạt động vi phạm nguyên tắc chống dịch, tập trung đông người. Ngay khi tiếp nhận thông tin, IOC Thừa Thiên Huế đã chuyển tiếp đến UBND thị xã Hương Thủy để đơn vị này vào cuộc xác minh, xử lý.

Sau một thời gian ngắn xác minh, cơ quan chức năng xác định được đó là một quán internet trên đường Tôn Thất Sơn thuộc thị xã Hương Thủy. Ngày 27.8, UBND thị xã Hương Thủy đã ra văn bản xử phạt tiệm internet này 15 triệu đồng vì vi phạm “không thực hiện việc tạm đình chỉ kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế”.

IOC Thừa Thiên Huế là trung tâm IOC cấp tỉnh đầu tiên của cả nước. Đây là đầu mối kết nối giữa công dân, doanh nghiệp và chính quyền trong các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân tốt hơn. IOC Thừa Thiên Huế từng được trao giải “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á tại Telecom Asia Awards 2019”.

Ưu tiên tiếp nhận, xử lý thông tin về Covid-19

Bên cạnh các dịch vụ đó, IOC Thừa Thiên Huế còn có các nền tảng, dịch vụ khác như phản ánh nghi nhiễm, yêu cầu hỗ trợ y tế, bảo vệ bản thân, hỏi đáp thông tin, tin tức chính thống, thông tin sai lệch, xác minh thông tin, thông báo, cảnh báo… Đặc biệt, trong những ngày dịch Covid-19 có chiều hướng phức tạp, để kiểm soát chặt người ra vào địa bàn, IOC Thừa Thiên Huế đã cho triển khai thống nhất khai báo y tế, đăng ký lưu trú trực tuyến dành cho người dân, phương tiện ra, vào địa bàn tỉnh tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao. Hệ thống này phân luồng, giám sát, theo dõi chặt chẽ hàng chục ngàn phương tiện và con người ra, vào địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, các tiếp nhận thông tin người dân Thừa Thiên Huế ở các vùng có dịch cũng được kích hoạt, nhờ thế nhiều trường hợp khó khăn được hỗ trợ kịp thời. Tính đến thời điểm này, có khoảng 30 chức năng phục vụ phòng, chống dịch bệnh, giúp người dân, cộng đồng tiếp cận và sử dụng một cách thống nhất các chức năng hỗ trợ.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Dương Anh cho biết, tính đến thời điểm hiện tại có gần 500.000 lượt người dùng các dịch vụ thông qua IOC, nhiều nhất đó là dịch vụ Hue-S. Riêng trong thời điểm đợt dịch Covid-19 thứ 4, lượng tương tác của người dân tăng mạnh về số lượng lẫn tần suất. Điều này cũng đòi hỏi đội ngũ làm công việc tiếp nhận, xử lý thông tin cũng phải nỗ lực, làm việc bất kể thời gian để kịp thời cung cấp thông tin cho công tác phòng, chống dịch.

“Bên cạnh tiếp nhận, xử lý các thông tin khác nhau trong cuộc sống hàng ngày, thời điểm này chúng tôi ưu tiên tiếp nhận các phản ánh của người dân liên quan đến thông tin về dịch Covid-19 để chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý. Có như thế mới góp phần sớm kiểm soát được dịch bệnh”, ông Anh nói.

Bài và ảnh: MINH AN