Đô thị Ấn Độ: Chức danh chính quyền đô thị do dân bầu trực tiếp
Đô thị ở Ấn Độ có lịch sử ra đời và phát triển đã hơn 300 năm với nhiều bước phát triển. Đến năm 1992, một đạo luật quy định ba dạng chính quyền đô thị: đô thị loại lớn, loại nhỏ và nagar panchayat ở những địa phương chuyển dịch từ nông thôn sang đô thị. Có 5 tiêu chí để xác định đô thị: dân số, mật độ dân cư, thu nhập bình quân, tỷ lệ lao động trong các ngành phi nông nghiệp, tầm quan trọng về kinh tế.
Luật Ấn Độ bắt buộc tất cả các chức danh của chính quyền đô thị phải do cử tri bầu trực tiếp tạo nên hội đồng thành phố là cơ quan đại diện ở địa phương, do thị trưởng đứng đầu và điều hành công việc của hội đồng. Tại hai bang của Ấn Độ thị trưởng thực hiện chức năng hành chính, còn ở các bang khác một quan chức đứng đầu hành chính thực hiện chức năng này.

Phạm vi thẩm quyền, nhiệm vụ của chính quyền đô thị Ấn Độ tùy vào quy định của pháp luật từng tiểu bang. Đạo luật năm 1992 quy định danh mục các chức năng, nhiệm vụ thích hợp với chính quyền đô thị. Trên cơ sở đó, mỗi bang sẽ xem xét tình hình thực tế của mình để đưa toàn bộ hay một phần các chức năng, nhiệm vụ đó vào luật về chính quyền đô thị cho phù hợp. Theo nhiều nhà nghiên cứu, trong nhà nước liên bang, nhiều khi vai trò của chính quyền địa phương nhường chỗ cho chính quyền trung ương và tiểu bang ở nhiều lĩnh vực như giảm nghèo, bảo vệ môi trường, hoặc cải thiện các khu ổ chuột. Nhìn vào danh mục chức năng, nhiệm vụ của chính quyền đô thị Ấn Độ, có những tác giả nhận xét, chúng trái với quan điểm về phân công lao động nói trên giữa các cấp chính quyền ở một quốc gia liên bang.
Nói chung, các dịch vụ do chính quyền đô thị cung cấp vừa có tính chất hàng hóa tư như nước sạch, thoát nước, vệ sinh, vừa là hàng hóa công cộng như hệ thống chiếu sáng công cộng, đường sá. Ngoài ra, chính quyền đô thị cũng được trao một số thẩm quyền ban hành văn bản điều chỉnh, thậm chí phát triển thị trường, thương mại. Một số thành phố lớn còn được quản lý bệnh viện, sản xuất và phân phối điện, dịch vụ xe bus. Điểm mấu chốt ở đây là những nhiệm vụ này phù hợp với nguyên tắc kinh điển, theo đó, chính quyền địa phương là cấp phù hợp nhất để cung cấp các dịch vụ công địa phương. Nguyên tắc này xuất phát từ câu nói của Adam Smith: “nếu đường phố London được chiếu sáng và tráng lát bởi kinh phí từ ngân khố quốc gia thì khó có chuyện chúng sẽ được tốt như bây giờ”.
Tuy nhiên, phạm vi nói trên không phải bao giờ cũng rõ ràng, mà nhiều nơi có sự chồng lấn giữa thẩm quyền của bang và của chính quyền đô thị. Trên thực tế, hiếm có đô thị nào thực hiện đầy đủ các thẩm quyền, nhiệm vụ nói trên, và sự khác biệt giữa chính quyền đô thị các bang với nhau khá lớn. Bên cạnh đó, phạm vi này có sự thay đổi, ví dụ bớt chức năng, nhiệm vụ ở nơi này như cung cấp nước sạch, thoát nước, hoặc thêm ở nơi kia như giảm nghèo, lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Mức độ chi ngân sách cho các dịch vụ nói trên cũng khác nhau khá nhiều giữa các bang. Còn nếu so sánh giữa các loại dịch vụ, tính theo đầu người, cung cấp nước sạch, bảo tồn môi trường, hệ thống vệ sinh công cộng là những dịch vụ then chốt, tiếp theo là thoát nước và đường phố. Ở một số bang, dịch vụ nước sạch do các doanh nghiệp công tiểu bang hoặc thành phố đảm nhiệm.