Dở khóc dở cười ca khúc bị cấm lưu hành

Nguyễn Trương Quý 16/04/2017 08:09

Cấm, không cấm... - Câu chuyện cấp phép kiểu “bói hoa” này có lẽ đang biến cơ quan cấp phép thành một cơ quan dịch vụ - như thế lại chồng lấn lên việc của Trung tâm bảo vệ tác quyền!

Nói chung, chuyện các bản nhạc của Văn Cao không có trong danh mục cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn chẳng phải chuyện lạ ở Việt Nam. Vì thế, cười họ là một chuyện, nhưng nhìn vào hệ thống cơ sở dữ liệu của cả nước và ngay tại các doanh nghiệp mà xem - nó vốn dĩ “à uôm” thế nào, còn chúng ta tự sờ gáy mình trên chính cơ sở dữ liệu gia đình mình, máy tính mình... có ngon nghẻ không? Tất nhiên các cục kia họ sống bằng tiền thuế của nhân dân, họ đáng bị “dẹp tiệm”! Bao nhiêu tiền của đổ vào các dự án số hóa và tin học hóa này kia, có đáng?

Nhưng suy cho cùng, họ cũng “từ nhân dân mà ra” thôi. Hãy bắt đầu từ chính những người sử dụng. Năm 2007, khi ấy bài “Tiến quân ca” chưa được hiến tặng cho nhân dân và đất nước Việt Nam, thì dĩ nhiên là tác quyền của nhạc sĩ (đã mất) và gia đình thuộc về những người thừa kế. Lúc này, một nhà nghiên cứu âm nhạc là anh Jason Gibbs đang viết một bài nghiên cứu rất công phu về các bài quốc ca trong lịch sử Việt Nam. Anh rất cẩn thận khi tiếp cận các văn bản gốc của các bản quốc ca. Với bài “Tiến quân ca”, anh soạn một thư xin phép gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao, nhờ tôi in ra và mang đến nhà họa sĩ Văn Thao, con trai tác giả, để có chữ ký đồng ý cho sử dụng văn bản nhạc và lời bài hát vào nghiên cứu. Quả thực, điều này ngẫm lại thấy không thừa, cho dù chính Jason đã được con trai nhạc sĩ cho bản photo bài “Tiến quân ca” in trên lito năm 1944 và tự sưu tập một số bản khác, trên báo hay tờ gấp. Vì “Tiến quân ca” là một bài hát đã rơi vào tranh cãi về tác quyền một dạo, cũng như đã bị chỉnh sửa về lời nên sự rõ ràng về nguồn gốc là một căn cứ để bảo đảm cho nghiên cứu khoa học được tin cậy.

Với Văn Cao thì bài hát xuất sắc nhất vẫn là trường ca Sông Lô - đấy cũng là bài hát xuất chúng nhất của tân nhạc Việt Nam. Có những câu tuyệt hay như: “Chiến sĩ sông Lô thân rừng áo sương” - mấy chữ “thân rừng áo sương” chẳng gặp ở một văn bản nào khác. Những chữ của Văn Cao vừa gan góc hiện thực vừa có cái diễm lệ lãng mạn hóa làm cho bài hát dài vẫn hấp dẫn. Tới lúc vang lên trong chương trình “Giai điệu tự hào”, “Sông Lô” vẫn có một tầm vóc vượt hẳn lên những bài còn lại. Nó làm cho người ta tin ở sự thật nó viết, nó tạo ra “văn hóa quyển” của riêng nó. Bài này không có trong danh mục cấp phép, cũng chẳng phải quá đỗi ngạc nhiên vì cái cách thức lập danh sách như kiểu “mời dự tiệc”: Người dễ quên nhất lại chính là người thân nhất, người mặc nhiên được hiểu là kiểu gì cũng phải có mặt...

Ca khúc duy nhất của Lưu Hữu Phước có trong danh sách cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn là “Hương Giang dạ khúc” viết năm 1943. Trong bản in lần đầu do nhóm Hoàng Mai Lưu (nhóm sinh viên viết nhạc ở Trường ĐH Đông Dương với nòng cốt gồm bộ ba Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước) xuất bản năm 1946 tại Hà Nội thì bản này đề Nhạc sĩ Không Tên. Lý do thì không được rõ, nhưng có lẽ vì Lưu Hữu Phước tế nhị không đề cập mối tình tưởng tượng của mình với một cô ở Huế được đặt tên là Jenny Thu Hương. Ở bản nhạc cũng ghi “Bản quyền của Hoàng Mai Lưu” - nghĩa là cũng gián tiếp xác nhận tư cách tác giả của bộ ba này mà ở đây dĩ nhiên chủ chốt là Lưu Hữu Phước. Nói chung xem lại các ấn bản sẽ có nhiều điều thú vị. Nếu bản duy nhất được cấp phép ghi Không Tên (theo bản in đầu tiên này do chính tác giả in) thì quả là một trớ trêu!

Trường hợp có tới 3 bản gốc thì sao? “Bà mẹ Gio Linh” chẳng hạn. Phạm Duy viết năm 1948, tới năm 1953, trên tờ nhạc in ở NXB Tinh Hoa thì tên bài đổi thành “Bà mẹ nuôi”, và hai câu: “Bộ đội đã ghé về đây/ Quân dân nắm tay vui vầy” đổi thành “Ngày ngày tôi đến nhà chơi/ Khơi vui bếp lửa tơi bời”, cùng nhiều chỗ khác cũng đổi như: “Mẹ mừng con giết nhiều Tây” thành “Mẹ chờ trong khói lửa bay”... Đến tập “Kỷ vật chúng ta”, tập nhạc của Phạm Duy do Tủ sách “Gìn vàng giữ ngọc” in năm 1971, bài này lấy lại tên “Bà mẹ Gio Linh”, có ghi năm sáng tác và lấy lại gần như lời đầu tiên, nhưng hai câu trên vẫn đổi thành: “Đoàn người kéo đến nhà chơi/ Khơi vui bếp lửa tơi bời” và “Mẹ mừng con đánh giặc hay”... Xác định bản gốc cho những ca khúc trước năm 1975 lắm lúc quả là một sự đánh đố! Và khi chưa tìm được đích xác thì đành... tạm cấm?

Cấm, không cấm... - Câu chuyện cấp phép kiểu “bói hoa” này có lẽ đang biến cơ quan cấp phép thành một cơ quan dịch vụ - như thế lại chồng lấn lên việc của Trung tâm bảo vệ tác quyền! Nên chăng?

    Nổi bật
        Mới nhất
        Dở khóc dở cười ca khúc bị cấm lưu hành
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO