Đò dọc suối Yến, vừa đi vừa nghĩ

01/04/2008 00:00

Bến Đục có khoảng 4.200 thuyền đưa khách du lịch đi dọc suối Yến vào chùa Thiên Trù, động Hương Tích. Đó là chưa kể các chuyến đò đưa lữ khách vào chùa Tuyết Sơn trên núi Tuyết, rẽ qua rừng mơ.

      Tháng ba, hoa gạo nở rực rỡ, chói lọi nở dọc suối Yến. Hoa gạo như những bó đuốc thắp bên suối. Hoa gạo le lói khắp rừng mơ. Tháng ba mơ Hương Tích đã chín. Mơ được bày bán ở chợ Đục Khê và trên lối lên chùa Thiên Trù.
      11h đêm, chuyến đò thứ ba trong ngày, chị Nguyễn Thị Lý vui như Tết. Những chủ đò trên bến Đục có cách tiếp thị riêng- khôn khéo, niềm nở, dúi vào tay khách một card visit, lần sau đi chùa thì gọi em, dịch vụ từ a đến z, khỏi lo nhà nghỉ, bữa ăn. Nếu khách xa muốn mua mơ Hương, khoai Tam Đảo, rau sắng đặc sản, chủ đò mua hộ, cân đủ không tính lãi. Tính ra, đến mùa hội chùa Hương năm nay chị Lý đã chèo đò 20 năm, từ năm mười sáu tuổi, giờ ba sáu. Chủ đò Nguyễn Thị Lý khoe “Nhà em xây được nhà nghỉ, nhờ chèo đò”. Nhà nghỉ của chị Lý cho khách thuê theo chiếu, cứ 80.000đ/chiếu, mỗi chiếu cũng đủ cho 4 – 5 người ngủ qua đêm, an toàn, bình dân. 
      Ngày cao điểm ở Lễ hội chùa Hương có khoảng 3 vạn lượt khách. Người ta ngủ trên lối đi, ngủ trọ ở thôn Yến Vĩ, ở các quán ăn bên vách núi chùa Thiên Trù. Mùa đông thì đón khách quốc tế. Khách quốc tế lại vô cùng thích thú với những tour du lịch ban đêm.
       Chị Lý kể rằng, nhiều đoàn khách nước ngoài thích đi thuyền dọc suối Yến ban đêm, họ dùng đèn pin xem những thuyền câu tôm, bắt cá dọc suối Yến, hoặc thuê thuyền len trong lau lách, xem những người đi hái mơ ở trên núi cao. Cũng có nhiều chủ đò có việc làm quanh năm nhờ các mối quan hệ làm ăn với các tour du lịch Hà Nội, Hà Tây. Các kênh du lịch Chùa Hương đi Hà Nam bằng đường thủy cũng được mở ra do các chủ đò thông thạo suối Yến, đến sông Sào Khê (Ninh Bình). Từ Chùa Hương, du khách có thể đi cố đô Hoa Lư bằng đường thủy. Đây là những tour du lịch do khách ba lô tự đi, hé lộ một hành trình du lịch sông nước thơ mộng và hấp dẫn riêng. Thế mới hay, khách lữ hành trong nước chưa hay biết thì khách quốc tế đã tìm lối đi mà chính người Việt đam mê du lịch cũng phải ngỡ ngàng.
      Giờ đây hệ thống cáp treo (chỉ mất 10 phút lên, 10 phút xuống núi) đã giúp khách đi du lịch chùa Hương dễ dàng. Ngồi trên cáp treo hiện đại, thấy những quán lá lụp xụp, manh mún, những tấm nilon chắp vá ở hàng quán bên dưới chùa Giải Oan. Tôi chợt ước có những kiến trúc sư thiết kế những quán ăn trên núi Hương tích đẹp như lối lên chùa JoKhang ở Trung Quốc. Có quyền ước mơ lắm chứ.
      Từ bến đỗ cáp treo vào động Hương Tích, những tấm biển quảng cáo, bảng chỉ dẫn nhà vệ sinh lẫn giữa những biển hiệu quán kem, sữa chua- giăng lên, trông lem nhem lắm. Còn người bán rau sắng, khoai Tam Đảo, mơ hương thì cứ bày ra lối đi mà bán. Khách muốn đi thì phải tránh. Số khách lên chùa Hương từ 1 vạn – 3 vạn người/ngày, thì rác xả ra là bao nhiêu tạ, bao nhiêu tấn? Cũng có những con thuyền đi hớt rác nhưng khách thập phương vẫn hồn nhiên vứt xuống suối Yến. Ban tổ chức Lễ hội dẫu có lo cũng thật khó xuể khi ý thức về vệ sinh môi trường của du khách quá kém.
      Chuyện vứt rác xuống suối, rác vứt ra lối đi - Ngỡ chuyện nhỏ mà không hề nhỏ với một Lễ hội lớn như Chùa Hương. Có thể phải có biện pháp quản lý mạnh tay hơn, kẻo  mùa sau rác vẫn còn là chuyện âu lo về môi trường đối với động, núi, và suối ở chốn được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động” này.
      Năm nay vẫn còn nạn chặt chém khách ở các quán ăn, đồ uống, sản phẩm du lịch... Nhân tiện cũng phải nói thêm, Hà Tây có biết bao làng nghề truyền thống, nhưng các sản phẩm nức tiếng như nón làng Chuông, mây tre Phú Vinh, tơ lụa Vạn Phúc thưa thớt ở các quán xá bên đường.
      Năm nay thấy rõ khâu tổ chức chuyên nghiệp hơn của Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương. Nhưng ở thôn Yến Vĩ rất cần những khách sạn 3 – 4 sao cho khách du lịch quốc tế. Những người dân thôn Yến Vĩ cũng cần học cách làm du lịch chuyên nghiệp, cần đào tạo một lớp trẻ học tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn. Những nhà dân ở thôn Yến Vĩ có nhiều tiền nhưng vẫn chưa biết đầu tư văn hóa cho con em họ. Không chỉ chèo đò, đi xe ôm, chạy bàn, bán quán... mà còn rất nhiều việc làm khác, mà chính quyền và người dân cần phải nghĩ đến và  có thể làm giàu từ chính Lễ hội và du lịch Chùa Hương.
      Có phải đầu tư cho văn hóa của một làng làm du lịch chuyên nghiệp, cho một điểm đến nổi tiếng với “Nam thiên đệ nhất động” còn là một câu hỏi lớn hay không?
      Đi dọc suối Yến, tôi vừa đi vừa nghĩ, vừa tự tìm câu trả lời.

Hoàng Việt Hằng

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đò dọc suối Yến, vừa đi vừa nghĩ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO