Ba bước ngoặt quan trọng
Chặng đường 50 năm qua có những bước ngoặt lớn của đất nước đã tác động rất lớn tới sự phát triển văn học Việt Nam. Nhận định như vậy tại Hội nghị Lý luận, Phê bình văn học lần thứ V với chủ đề “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế” ngày 27.11, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chỉ ra ba bước ngoặt của nền văn chương dân tộc gói trong nửa thế kỷ. Bước ngoặt thứ nhất bắt đầu từ sau ngày 30.4.1975, khi cuộc chiến tranh kết thúc và đất nước được thống nhất. Đấy là giai đoạn văn học được viết trong thời bình, bởi các nhà văn Việt Nam trên cùng một mảnh đất từng bị chia cắt.
Bước ngoặt thứ hai là công cuộc Đổi mới được tiến hành trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, tác động sâu sắc vào sự sáng tạo của nhà văn Việt Nam, mở ra biên độ dài rộng về đề tài, đối tượng, thi pháp và tư tưởng. Bước ngoặt thứ ba là khi Việt Nam hòa nhập vào đời sống chính trị chung của thế giới.
Soi chiếu ở góc độ tiểu thuyết, TS. Đỗ Hải Ninh, Viện Văn học cho biết, sau thời gian dài hướng đến tính cộng đồng, văn học ngày càng tập trung vào cái tôi cá nhân. 50 năm qua, tiểu thuyết tự thuật và tiểu thuyết có yếu tố tự truyện chiếm số lượng ngày càng nhiều. Các cây bút nữ cũng tạo nên làn sóng thể hiện tinh thần nữ quyền. Các cây bút trẻ miêu tả hành trình đi tìm bản ngã, những cuộc kiếm tìm bản thể trong xã hội đương đại đầy phức tạp…
“Nhìn một cách tổng thể, vấn đề quan thiết nhất là nhu cầu khẳng định cái tôi của người cầm bút gắn với khát vọng đổi mới văn chương, nghệ thuật, dẫn đến cách tân nghệ thuật trở thành xu hướng nổi bật của tiểu thuyết đương đại”, TS. Đỗ Hải Ninh nhận xét.
Còn dưới góc độ thi ca, Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam Trần Anh Thái cho rằng, trong ba bước ngoặt mà nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã nêu, năm 1986 như dấu son đóng đinh vào lịch sử văn học, tạo bước ngoặt lớn chưa từng có cho thơ Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XX đến tận hôm nay. Công cuộc Đổi mới rung lên hồi chuông báo hiệu chấm dứt một thời kỳ văn học trong “hành lang hẹp”, văn học của “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”; chấm dứt thời kỳ sáng tác phục vụ chính trị “một câu thơ gánh ba phần nhiệm vụ”; chấm dứt cách viết một chiều, phản ánh, ngợi ca. Công cuộc Đổi mới mang lại luồng sinh khí mới, tạo ra thay đổi to lớn trong kế thừa và phát triển nền văn hóa dân tộc.
“Tư duy lý luận về văn học nghệ thuật có sự chuyển biến; giao lưu quốc tế mở rộng tạo ra nhiều cơ hội, nhiều cách tiếp cận mới mẻ; nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên; các chuẩn mực văn hóa và đạo đức mới hình thành… Tất cả là cơ sở để văn học nghệ thuật có điều kiện phát triển nở rộ. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của internet làm cho đời sống văn học bừng lên sức sống mới, tràn đầy nhiệt huyết trong tinh thần dân chủ cởi mở và nhân văn…”, nhà thơ Trần Anh Thái nhìn nhận.
Nội lực trong thời đại mới
Quan sát dòng chảy văn học 50 năm qua, theo các nhà nghiên cứu, đây là thời kỳ văn học Việt Nam đã đi qua những trạng huống, hình thái tâm lý đầy phức tạp. Nói như nhà văn Nguyễn Bình Phương, với thiên lương của mình, văn học nửa thế kỷ sau ngày thống nhất đất nước vừa cần mẫn vá lại những vết thương, vừa dìu con người tiến về phía trước trong ánh sáng của tinh thần lạc quan. “Nhìn lại văn học từ 1975 đến nay, chúng ta không thể không tự hào về những gì đã có trong 50 năm đầy biến chuyển vừa qua. Và chúng ta cũng không thể không băn khoăn rằng, từ hôm nay, văn học của chúng ta sẽ đi tiếp tới đâu, cách đi ra sao để chứng tỏ nội lực văn hóa truyền thống và sức vóc của dân tộc trong thời đại mới?”.
Câu hỏi này cũng là mối trăn trở chung của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, phê bình văn học. Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, lúc này văn học Việt Nam đã trở lại đầy đủ với bản chất nguyên vẹn của nó. Đây là giai đoạn những vấn đề của nội dung, thi pháp, tư tưởng tác phẩm có những bước đi chung trong dòng chảy của văn chương thế giới. Và cũng từ đó, một xu thế mới của văn học Việt Nam đã xuất hiện. “Cũng từ đây, chúng ta cần có một cái nhìn khoa học, có tính lịch sử, có tính tổng kết cũng như phác thảo một diện mạo văn học Việt Nam trong những thập kỷ tới của đất nước”.
Về dòng lý luận, phê bình văn học giai đoạn này, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ phân tích, một mặt, nhờ sự mở rộng tư duy, nhận thức đã giúp đánh giá toàn diện, hợp lý, hợp tình hơn đối với nhiều hiện tượng từng bị coi là “phức tạp”, “yếu kém”, thậm chí “độc hại" về nội dung tư tưởng như Thơ mới, Tự lực văn đoàn, văn học vùng tạm chiếm (1945 - 1954), văn học đô thị miền Nam 1954 - 1975)… Một số tác giả từng bị chụp “có vấn đề” cũng được đánh giá lại một cách thỏa đáng hơn. Mặt khác, phải thẳng thắn nhìn lại, hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và song hành với sáng tác.
“Từ sau 1975, đặc biệt từ Đổi mới đến nay, nhận thức mới của Đảng về lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã mở đường cho tiến trình dân chủ trong lĩnh vực được coi là nhạy cảm, tinh tế đặc biệt của văn hóa, khơi thức cảm hứng sáng tạo, tự do tìm tòi, khám phá các giá trị trong lịch sử văn học, nghệ thuật dân tộc và nhân loại. Văn học, lý luận, phê bình văn học phải làm gì, làm như thế nào để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu mới, lớn lao hơn của thời đại và của chính mình? Đây là những điều cấp thiết đặt ra đối với tất cả chúng ta, vì sự phồn vinh của nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam”, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ nhận định.