Định vị hình ảnh Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Việt Nam đang xây dựng Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài nhằm tăng sự nhận diện tích cực về một hình ảnh Việt Nam “ổn định, phát triển, đổi mới và sáng tạo, giàu bản sắc văn hóa”.
Thông điệp nhất quán và tầm nhìn dài hạn
Trong kỷ nguyên mới, việc xây dựng, truyền thông, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, tăng sự nhận diện tích cực về hình ảnh Việt Nam trên toàn cầu rất quan trọng. Một hình ảnh tích cực với dấu ấn đậm nét sẽ là đòn bẩy hiệu quả cho các hoạt động ngoại giao, thu hút đầu tư, thúc đẩy giao thương, du lịch và nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia. Bởi vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang khẩn trương tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 7 này.
Chiến lược nhằm đưa ra nội dung truyền thông, quảng bá gồm các yếu tố chung dựa trên các thành tố, giá trị cốt lõi của dân tộc, điểm mạnh của quốc gia trên nền tảng xã hội, kinh tế, văn hóa... và phù hợp với sự quan tâm, các góc nhìn của thế giới về hình ảnh quốc gia. Theo dự thảo Chiến lược, nội dung truyền thông, quảng bá định vị hình ảnh Việt Nam là quốc gia hòa bình, ổn định, phát triển; là trung tâm của đổi mới sáng tạo trong khu vực và quốc tế; là một đất nước có nền văn hóa lâu đời, giàu bản sắc, thống nhất trong đa dạng; đất nước hiếu khách, thân thiện, đáng sống, giàu yếu tố trải nghiệm.

Các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết của một chiến lược tổng thể với tầm nhìn dài hạn, gắn liền với định hướng phát triển đất nước, nhằm nâng cao uy tín, sức hút và vị thế quốc tế. Chiến lược này phải được thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương. Ông Lương Thanh Nghị, Cựu Đại sứ Việt Nam tại Australia và Đan Mạch nhấn mạnh, Chiến lược cần định vị hình ảnh quốc gia với thông điệp nhất quán, và phải được duy trì thực hiện trong khoảng 10 năm. Hiện tại, thông điệp cốt lõi cần truyền tải là Việt Nam hiện đại và phát triển năng động.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Seung Jin khẳng định: xác định tầm nhìn dài hạn và mang tính trọng điểm là điều quan trọng trong chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia. Ông gợi ý việc giới thiệu những câu chuyện và giá trị mang đậm bản sắc Việt Nam bằng phương thức hiện đại sẽ tạo nên sức hút mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế. Đặc biệt trong thời đại kỹ thuật số, ngành công nghiệp nội dung ngày càng có vai trò quan trọng, cần tập trung phát triển tương xứng. Đây không phải là một phương án mang lại hiệu quả tức thì, nhưng về dài hạn sẽ là cần thiết và quan trọng để quảng bá hình ảnh Việt Nam.
Kể câu chuyện Việt Nam đa chiều, nhân văn
TS. Đỗ Anh Đức, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đề cao vai trò của người dân và cộng đồng trong truyền thông thương hiệu quốc gia. “Chiến lược nào không có sự đồng thuận của người dân thì thất bại”. Thay vì chỉ tập trung vào những câu chuyện vĩ mô, cần khuyến khích người dân tự kể câu chuyện của mình, từ những điều bình dị như tà áo dài, để tạo nên những câu chuyện đa chiều, chân thực và đầy cảm xúc.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển vượt bậc và thế giới đang tìm về giá trị nhân bản, đây là cơ hội để Việt Nam biến những giá trị văn hóa 4.000 năm lịch sử, từ ẩm thực, lối sống, nghệ thuật… thành những đóng góp mới mẻ, mang tầm vóc nhân loại trong kỷ nguyên số.
Chiến lược cũng đặt ra hình thức truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam đa phương tiện, đa nền tảng, nhiều phiên bản: truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước; tận dụng phương tiện truyền thông mới; quảng bá qua các đoàn phóng viên, làm phim nước ngoài; truyền thông quảng bá lồng ghép qua các hoạt động và sự kiện... TS. Đỗ Anh Đức nhấn mạnh, trong quá trình này, truyền thông không chỉ là công cụ thuần túy để đưa tin, mà là truyền thông kiến tạo giá trị.

Cùng ý kiến, nhà báo Nguyễn Thị Phương Liên, Phó Trưởng ban Truyền hình Đối ngoại - VTV4, Đài Truyền hình Việt Nam, bổ sung, truyền thông cần kể được câu chuyện Việt Nam theo góc nhìn đa chiều, mang tính toàn cầu, lấy con người làm trọng tâm và đề cao tính nhân văn. Những câu chuyện chân thật, hài hòa giữa yếu tố địa phương, dân tộc và quốc tế, như câu chuyện về nông dân vùng sâu vùng xa bán nông sản trên sàn thương mại quốc tế nhờ chuyển đổi số sẽ hiệu quả hơn nhiều so với những con số khô khan.
Để tối ưu hóa hiệu quả truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư. Bà Trương Thùy Linh, Quản lý nội dung, Công ty Cổ phần dịch vụ Quảng cáo và Truyền thông Schannel (Schannel Network) cho biết, Schannel có khoảng 400 triệu lượt tương tác mỗi tháng. Nhận thấy giới trẻ có xu hướng quan tâm đến giải trí nhiều hơn các vấn đề của đất nước, từ năm 2024 Schannel đã đồng hành với Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại để sử dụng độ phủ của mình, mang thông tin đất nước đến giới trẻ Việt, sau đó hướng tới quốc tế.
Ông Ryan Nguyen, Giám đốc Quan hệ công chúng và mạng xã hội của Công ty Dentsu Creative Vietnam, đề cập đến việc cần có cầu nối vững chắc hơn giữa hợp tác thương mại và hợp tác công tư trong truyền thông. Ông nhấn mạnh, các sự kiện quy mô lớn như “concert quốc gia”, với tiềm năng tạo ra nội dung phái sinh bùng nổ sức hút trên mạng xã hội, có thể mang lại hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Cần kiến tạo cơ hội hợp tác chiến lược giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, tận dụng được nguồn lực dồi dào từ doanh nghiệp để đưa hình ảnh Việt Nam vươn xa và tạo dựng dấu ấn sâu sắc trên trường quốc tế.