Đình từ làng đến phố

- Thứ Năm, 26/09/2013, 08:37 - Chia sẻ
Thời gian qua, trong khuôn khổ dự án Nghiên cứu, sưu tầm, quảng bá và phát huy những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ Việt Nam của Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, các nghệ sỹ đã tìm đến những ngôi đình làng, từ thôn quê cho đến nội thành Hà Nội, đưa tới người xem nét đẹp cũng như thực trạng của di sản này qua tác phẩm nghệ thuật.

Đình Thanh Hà, số 10 ngõ Gạch                             Ảnh: Nguyễn Thế Sơn

Thay đổi và biến dạng

Nghiên cứu những ngôi đình làng trong khu phố cổ Hà Nội, khảo sát, điền dã, chụp ảnh hiện trạng mặt tiền của các ngôi đình, qua sắp đặt ảnh Tôi đi tìm ngôi nhà chung, nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn đã cho thấy thực tế của đình từ làng lên phố. Được lập ra để thờ tổ nghề, gắn với các nghề truyền thống của cư dân từ khắp các làng quê lên Kinh thành buôn bán, sản xuất, nhưng qua thời gian cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội, công năng của đình có sự thay đổi. Bên cạnh số ít di tích vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có, rất nhiều đình làng - ngôi nhà chung trong phố cổ Hà Nội đã bị lãng quên, và bị triệt để tận dụng, lấn chiếm, cải tạo, hủy hoại, làm biến dạng các kiến trúc đặc sắc của đình, đến giờ rất nhiều ngôi đình là nơi ở của các hộ dân sống chen chúc... Nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: “Tác phẩm như một nhật ký bằng hình ảnh lưu giữ lại quá trình tôi đã cố gắng trải nghiệm để đối thoại với một lớp lịch sử bị đứt gãy, bị tẩy xóa nhiều chỗ, với mong muốn có thể đọc hiểu được phần nào các lớp ý nghĩa và giá trị của nó trong cộng đồng đô thị cổ của người Việt xưa”.

Cùng phản ánh tình trạng đình làng bị xâm lấn, tác phẩm sắp đặt Chen chúc của nghệ sỹ Nguyễn Ngọc Lâm lấy hình tượng ngôi đình làm trọng tâm của những giá trị về văn hóa tinh thần của người Việt, xung quanh là sự phát triển lan tỏa dày đặc của nhà ống, phá vỡ một không gian sống mang tính văn hóa truyền thống của người Việt... Thu âm toàn bộ phối cảnh âm thanh, tiếng ồn và mọi hoạt động có liên quan tới lĩnh vực thính giác tại 4 ngôi đình lớn và tiêu biểu ở miền Bắc, gồm: đình Thổ Hà, đình Lỗ Hạnh (Bắc Ninh), đình Tây Đằng và đình Chu Quyến (Hà Nội), nghệ sỹ Vũ Nhật Tân thấy rằng: theo những gì còn đọng trong ký ức và được mô tả lại, thì xung quanh ngôi đình xưa từng là tiếng gió xào xạc qua những ngọn tre, tiếng sáo diều vi vút… tất cả chỉ thoảng như những nét vẽ mảnh và nhẹ gợi lên giữa không gian thoáng đãng và yên tĩnh quanh mái đình trầm lặng. Nhưng, “nghe âm thanh xung quanh đình ngày nay cũng giống như đang nghe ở phố, ồn ào và náo nhiệt (với tiếng xe máy đi lại và tiếng còi vang khắp xung quanh, tiếng nhạc khá lớn và dồn dập, tiếng máy móc nông cụ, tiếng loa làng...), chuyển động và thay đổi từng phút và từng giờ”.

Tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ

Là sản phẩm vật chất của tinh thần con người, đình làng tựa tấm gương soi đa diện tâm hồn Việt Nam. Trong không gian tâm linh và thế tục ấy, những giá trị của truyền thống minh triết lâu đời được bộc lộ, mọi tinh túy của lý tưởng thẩm mỹ nhiều thế kỷ được quy tụ, đã khiến ngôi đình trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp thuần khiết của thẩm mỹ Việt và ý chí sinh tồn Việt Nam. Theo nghệ sỹ Đặng Thị Khuê, “ngôi đình là một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ, mà ở đó nội dung và hình thức hòa quyện làm một... Trước một đối tượng như vậy, tôi chẳng còn biết làm gì hơn là phục dựng hình ảnh sao cho gần với nguyên mẫu, qua sự vận dụng mọi cách từ sao chép, đúc đồ khuôn đến in rập chụp ảnh, phóng to thu nhỏ những hình ảnh đặc trưng của đình làng Việt Nam, để người xem có thể hình dung gần hơn về nó”. Sắp đặt Ký tự của Đặng Thị Khuê phô bày kết cấu bên trong kiến trúc một đình làng. Qua các mặt cắt dọc, cắt ngang của ngôi đình cổ thế kỷ XVI và XVII, người xem có thể hình dung cụ thể những giải pháp kỹ thuật, không gian, thẩm mỹ của người xưa, cũng như thấy được sự uyển nhã của công trình đa chức năng mang tính cộng đồng này.

Nghệ sỹ Vũ Đình Tuấn thì nhận xét: dường như trong xã hội đương đại, nhiều ngôi đình đã mang màu sắc khác và không còn gần gũi. Với cách nhìn ấy, trong sắp đặt Chuyện của đình, Vũ Đình Tuấn sử dụng các chất liệu dân gian: một cánh diều với kích thước lớn, khoảng 100 dải vải may nối 2 màu trắng và ngũ sắc treo xung quanh, phần đuôi màu ngũ sắc của mỗi dải được viết một câu tục ngữ, ca dao, dân ca tiêu biểu về đình làng... nhằm khơi gợi hồi ức của những người lớn tuổi từng có thời gian gắn bó với ngôi đình và mang đến cho lớp trẻ sự tiếp cận, tưởng tượng, cảm nhận và rung động về không gian văn hóa đình làng hôm qua, hôm nay. Biết đâu, trong mỗi người sẽ nảy sinh một sự giác ngộ nào đó bằng ý tưởng và hành động để hướng tới lựa chọn giải pháp cho vấn đề di sản và văn hóa truyền thống trong thời đại mới.

Theo giám tuyển Bùi Thị Thanh Mai, không chỉ có đối thoại giữa nghệ sỹ với đình làng, triển lãm Đối thoại với đình làng đang diễn ra tại Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam còn là cuộc đối thoại giữa các nghệ sỹ, giữa nghệ sỹ với công chúng, giúp mọi người hiểu, yêu hơn, từ đó có ý thức giữ gìn và phát huy di sản đình làng Bắc Bộ.

Lê Thủy