Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2045

Định hướng rõ đất tôn giáo, tín ngưỡng

- Thứ Năm, 21/10/2021, 15:53 - Chia sẻ
Theo Ủy ban Kinh tế, việc quản lý đất đai sử dụng cho một số dự án xây dựng công trình văn hóa tâm linh thời gian qua còn thiếu chặt chẽ; chưa tách bạch rõ giữa đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng với đất thương mại, dịch vụ. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn việc thực hiện và định hướng cho giai đoạn tới.
	Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp của UBTVQH ngày 13.10 - Ảnh: Lâm Hiển
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp của UBTVQH ngày 13.10
Ảnh: Lâm Hiển

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ xem xét Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) cấp quốc gia.

Trước đó, ngày 13.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về nội dung này. Tại phiên họp, đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2011 - 2020, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015 và 2016 - 2020), Ủy ban Kinh tế cho rằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. Nguồn thu từ đất đai có đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước. Phân bổ nguồn lực đất đai đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Diện tích đất trồng lúa được bảo vệ, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, có dự trữ chiến lược và xuất khẩu. Độ che phủ của rừng được nâng từ 39,1% năm 2010 lên 42,01% năm 2020 góp phần bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chưa tách bạch đất tôn giáo với đất thương mại, dịch vụ

Theo Ủy ban Kinh tế, bên cạnh kết quả đạt được, nhiều chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chỉ mới đề cập dưới dạng thống kê và phản ánh tình hình thực hiện, chưa đi sâu phân tích chất lượng của quy hoạch, chưa đánh giá chất lượng phân bổ không gian của một số nhóm sử dụng đất quan trọng (đất chuyên trồng lúa, đất rừng, đất khu công nghiệp…) và hiệu quả của việc thực hiện chỉ tiêu. Ủy ban đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân đạt hay không đạt được chỉ tiêu tại Nghị quyết 134/2016/QH13 của Quốc hội để thấy thực chất của vấn đề và rút ra bài học kinh nghiệm.

	Lối lên chánh điện chùa Khánh Lâm, Măng Đen, Kon Tum Nguồn: ITN
Lối lên chánh điện chùa Khánh Lâm, Măng Đen, Kon Tum
Nguồn: ITN

Cụ thể, Nghị quyết 134 cho phép điều chỉnh diện tích đất trồng lúa đến 2020 còn 3,76 triệu hecta, nhưng thực tế còn 3,91 triệu hecta; đất rừng phòng hộ cho phép chuyển đổi về diện tích 4,61 triệu hecta, thực tế còn 5,11 triệu hecta. Nhìn tổng thể, diện tích đất rừng tăng nhưng rừng tự nhiên tiếp tục bị tàn phá, suy giảm cả về số lượng và chất lượng, ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ thiên nhiên của rừng. Đất công nghiệp tăng nhanh nhưng việc quy hoạch và phân bố khu công nghiệp còn dàn trải, thiếu sự đồng bộ với quy hoạch đô thị, khu dân cư, thi công chậm tiến độ, tỷ lệ lấp đầy thấp, để hoang hóa lãng phí nhiều năm. Đất giao thông chưa khai thác không gian ngầm và trên không; tỷ lệ đường quốc lộ và cao tốc trên tổng km đường bộ rất thấp (chỉ chiếm 7,26%).

Đáng chú ý, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân tích rõ nguyên nhân một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt yêu cầu của Quốc hội như đất rừng sản xuất, đất quốc phòng, đất an ninh, nhất là các chỉ tiêu đạt dưới 50%, trong đó có đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng.

Đối với đất văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc quản lý đất đai sử dụng cho một số dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa tâm linh thời gian qua còn thiếu chặt chẽ, sử dụng quỹ đất lớn nhưng chưa tách bạch rõ giữa đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng với đất thương mại, dịch vụ. “Đề nghị đánh giá rõ hơn việc thực hiện thời gian qua và định hướng cho giai đoạn tới”, Ủy ban Kinh tế yêu cầu.

Đất tôn giáo, tín ngưỡng nằm trong quy hoạch tỉnh, huyện

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, có ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, nhiều loại đất cần có sự quản lý, giám sát của Nhà nước nhưng không có trong danh mục chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia. Trong đó có đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, trồng cây hàng năm, đất ở tại nông thôn, đất sản xuất kinh doanh...

Trước đó, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương về nội dung này, nhiều ý kiến cũng đề nghị bổ sung chỉ tiêu đất nông nghiệp khác; đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; đất du lịch; đất cụm công nghiệp… cho phù hợp với quy định của Luật Đất đai và Luật Quy hoạch.

	Chùa Bạch Hào, Thanh Hà, Hải Dương Nguồn: ITN
Chùa Bạch Hào, Thanh Hà, Hải Dương
Nguồn: ITN

Tuy nhiên, theo giải trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia chỉ thể hiện các chỉ tiêu theo quy định thuộc hệ thống quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Còn các chỉ tiêu khác như đất nông nghiệp khác; đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng… sẽ được tính toán cụ thể trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Theo Tờ trình của Chính phủ, chỉ tiêu diện tích đất trồng lúa của cả nước đến 2030 là 3.568 nghìn hecta, trong đó, có thể cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt với diện tích khoảng 300 nghìn hecta. Ủy ban Kinh tế đồng tình với đề xuất này nhưng đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình chuyển đổi trở lại đất trồng lúa sau khi đã chuyển đổi sang cây trồng khác trong giai đoạn 2011 - 2020; đồng thời, xác định nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi, khu vực có thể chuyển đổi, khu vực không cho chuyển đổi. Bởi, đất chuyên trồng lúa là loại đất đặc biệt có đặc trưng riêng về thành phần lý hóa tính, cùng với hệ thống thủy lợi được đầu tư rất lớn, trong thời gian dài. Khi đã sử dụng đất lúa cho mục đích phi nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp khác thì cũng không dễ chuyển lại thành đất lúa.

Vy Hương