Định hướng phát triển thư viện như thế nào?

Ts Nguyễn Viết Chức
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ
19/03/2012 08:34

…Trong toàn văn dự thảo Luật Thư viện chưa toát lên định hướng ưu tiên phát triển thư viện với nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao dân trí, bồi bổ dân khí, nuôi dưỡng tâm hồn đạo đức làm người Việt Nam có bản lĩnh và trí tuệ xây dựng đất nước thoát vòng tụt hậu, vươn lên giàu mạnh, văn minh...

Văn hóa đọc đang có chiều hướng suy giảm nghiêm trọng, nhất là trong giới trẻ, nguồn nhân lực quyết định tương lai của đất nước. Nguyên nhân của nó chưa có văn bản chính thức nào chỉ rõ, nhưng đã có nhiều bài viết cảnh báo về sự suy giảm văn hóa đọc, nhất là đọc các sách nhiều trang in trên giấy bằng công nghệ in thông thường. Nói như vậy để tránh ý kiến cho rằng người ta không đọc sách in trên giấy nữa vì đã có sách điện tử rồi. Thực ra, chúng tôi nghi ngờ điều đó. Người đã không thích đọc sách, có lẽ cũng không thích đọc sách điện tử. Trong thời đại bùng nổ thông tin này, đa phần săn tin các loại trên mạng, thì giờ dành cho nó đã chiếm hết các thì giờ vật chất khác. Nguy hiểm hơn thế, không ít người lầm tưởng rằng có nhiều thông tin vậy là đã có nhiều sự hiểu biết, nhiều tri thức. Sự lầm tưởng ấy đã góp phần làm suy giảm sự say mê, hứng thú, tìm tòi sáng tạo trong đọc sách, kể cả sách văn học, nghệ thuật.

Phòng báo chí tự chọn, Thư viện Quốc gia Việt Nam
Phòng báo chí tự chọn, Thư viện Quốc gia Việt Nam

Vì thế, làm thế nào để thu hút người ta đến với thư viện, đến với sách (sách in thông thường và sách điện tử) là vấn đề cần đề cập trong Luật Thư viện. Chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện được trình bày tại Điều 3 chưa thể hiện rõ định hướng ưu tiên phát triển thư viện. Trong toàn văn dự thảo luật cũng chưa toát lên định hướng ưu tiên phát triển thư viện với nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao dân trí, bồi bổ dân khí, nuôi dưỡng tâm hồn đạo đức làm người Việt Nam có bản lĩnh và trí tuệ xây dựng đất nước thoát vòng tụt hậu, vươn lên giàu mạnh, văn minh. Bởi các vị tiền bối cách mạng dạy rằng: không có sách thì không có lý luận, không có lý luận thì không có cách mạng. Ngày nay phải nói rõ thêm: sách đã có nhưng không đọc sách thì không thể có hiểu biết, không có lý luận và không thể trở thành nguồn nhân lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước. Với tinh thần ấy, xây dưng Luật Thư viện mới đáp ứng yêu cầu của đời sống hiện đại, mới sát với thực tiễn hiện nay về thư viện.

Muốn phát triển thư viện điều đầu tiên là chính sách đối với người làm thư viện. Sẽ có người nghi ngờ mà rằng: nói vậy thì với luật nào, lĩnh vực nào chẳng đúng. Xin thưa: vâng, nhưng với thư viện thì vấn đề cấp bách hơn nhiều, rõ ràng hơn nhiều. Gần đây do yêu cầu viết sách lịch sử báo Cứu Quốc, người viết bản góp ý này vào Thư viện Quốc gia, rất vui được sự giúp đỡ rất tận tình và chu đáo của cán bộ thư viện, lại vui vì cảnh quan, phòng đọc được trang bị tốt, thuận tiện cho việc đọc sách. Tuy nhiên, hỏi đến đời sống của cán bộ mới thấy nhiều điều cần chia sẻ. Đồng chí giám đốc cho biết, thư viện đã có nhiều cố gắng nhằm cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên, Nhà nước cũng có chính sách ưu tiên đối với một thư viện tầm cỡ Quốc gia, tuy nhiên, so với các lĩnh vực khác, thu nhập của cán bộ nhân viên thư viện vẫn thấp hơn nhiều, chưa thu hút được cán bộ trẻ, có năng lực đáp ứng yêu cầu của thư viện hiện đại. Chính vì thế, nhiều năm có chỉ tiêu cử cán bộ đi học thạc sỹ, tiến sỹ tại nước ngoài nhưng cán bộ của thư viện chưa đáp ứng yêu cầu chuyên ngành hoặc ngoại ngữ để đi học. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, khoa Thư viện vắng bóng sinh viên. Cán bộ giảng dạy chuyên ngành này cũng thưa dần. Rõ ràng, đào tạo cán bộ thư viện đang gióng hồi chuông báo động cho tương lai thư viện. Còn hiện tại, thư viện chưa có sức hấp dẫn thu hút người giỏi về ngành này. Vậy muốn phát triển thư viện làm sao đây? Không có chính sách ưu tiên được luật hóa trong các điều khoản về cán bộ thư viện liệu có khắc phục được tình trạng này không?! Làm trong thư viện, nơi cần yên tĩnh, cán bộ khó có thể làm thêm việc gì. Với nghiệp vụ thư viện và tình hình suy giảm văn hóa đọc như hiện nay, việc mở các nhà sách cho thuê cũng không mấy hiệu quả, vậy cán bộ thư viện làm thêm gì để tăng thu nhập? Không có con người giỏi và yêu nghề, khó có thể phát triển.

Cơ sở vật chất cũng là việc đáng quan tâm. Phải làm sao đọc sách trong thư viện hơn hẳn đọc sách tại nhà. Muốn như vậy phòng đọc, trang thiết bị phải tiện nghi, hiện đại. Mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm, phòng rộng rãi, bàn ghế chuẩn ngồi đọc thoải mái... Kinh phí có thể đảm bảo mua sắm, xây dựng được, nhưng kinh phí để nuôi dưỡng nó không dễ. Phòng đọc cao rộng thì tốn điện chạy điều hòa, người đọc lúc vắng, lúc đông, sử dụng sao cho hiệu quả mà không mất khách? Vì phải khuyến khích người đọc nên thu các lệ phí phục vụ hầu như không có, kinh phí lấy từ ngân sách có đủ nuôi hệ thống trang thiết bị hiện đại của thư viện, nhiều chỗ không thể không có như phòng bảo quản tài liệu quan trọng chẳng hạn? Với kinh phí các địa phương, thư viện có đủ để mua sách mới, sách hay cũng như các trang thiết bị hiện đại, hấp dẫn người đọc? Bởi thế định hướng phát triển trong luật là rất cần thiết: định hướng phát triển số lượng hay chất lượng? Nếu định hướng phát triển theo phong trào xuống tận cơ sở cũng phải đánh giá xem hiệu quả đến đâu, tránh hình thức như nhà văn hóa thôn làng cả năm không có nội dung hoạt động, hoặc biến thành nơi hội họp của các đoàn thể.

Về loại hình thư viện trong dự thảo Luật chia theo cấp và sở hữu, nghĩa là thư viện cấp quốc gia hay cấp tỉnh, huyện..., thư viện công lập hay ngoài công lập. Tuy nhiên, thư viện điện tử, thư viện kỹ thuật số đang có nhu cầu phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu người đọc trẻ và kết nối thư viện. Cách phân chia loại hình như dự thảo Luật không làm rõ ưu tiên phát triển thư viên điện tử, thư viện kỹ thuật số...

Nói tóm lại, chúng tôi quan tâm đến định hướng phát triển thư viện, từ đó có chính sách ưu tiên phát triển thư viện một cách cụ thể. Nếu việc đánh giá vai trò, vị trí của thư viện như vẫn có trong quá khứ cũng như hiện nay thì dự thảo Luật Thư viện được soạn trên cơ sở Nghị định về Thư viện đã ban hành là tương đối ổn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Định hướng phát triển thư viện như thế nào?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO