Thị trường

Định hướng phát triển khoa học, công nghệ ngành thủy sản

Lam Ngọc 15/05/2025 07:18

Định hướng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thủy sản thời gian tới sẽ bám sát tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược sẽ là những trụ cột trọng tâm.

Khoa học công nghệ chưa thực sự trở thành động lực dẫn dắt

Theo thống kê, tổng sản lượng thủy sản năm 2024 đạt gần 9,7 triệu tấn. Với kim ngạch xuất khẩu gần 10,03 tỷ USD, Việt Nam hiện là một trong ba quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, đóng vai trò chủ đạo trong chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu.

TS. Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư cho biết, hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy sản thời gian qua đã có khởi sắc, thu hút được các nguồn lực trong nước và quốc tế. Nhiều kết quả nổi bật được ghi nhận trong công tác chọn tạo giống, hoàn thiện quy trình nuôi, phát triển thức ăn thủy sản, tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực như tôm, cá tra, rô phi...

Cụ thể, ngành đã chọn tạo được 35 giống thủy sản; xây dựng công thức thức ăn cho một số đối tượng như cá tra, tôm hùm, ốc hương, cá biển. Đã công nhận 64 quy trình công nghệ về nuôi, sản xuất giống, quản lý bệnh; ban hành 77 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (TCVN, QCVN) về giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường cho các đối tượng tôm, cá nước ngọt, cá biển, nhuyễn thể…

Sản xuất thức ăn thủy sản
Ứng dụng công nghệ trong sản xuất thức ăn thủy sản. Ảnh: Hồng Thắm

Công nghệ truy xuất nguồn gốc cũng được ứng dụng ngày càng rộng rãi. Công tác nghiên cứu, cải tiến ngư cụ, thiết bị, quy trình kỹ thuật trong khai thác và bảo quản sau thu hoạch được chú trọng; góp phần bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Công nghệ chế biến sâu, sản phẩm ăn liền, sản phẩm giá trị gia tăng tiếp tục được đẩy mạnh, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, hoạt động khoa học công nghệ vẫn chưa thực sự trở thành động lực dẫn dắt ngành thủy sản. Nghiên cứu tiên phong để phát triển các lĩnh vực mới như nuôi biển công nghiệp, rong biển, cá cảnh, chế biến dược liệu và mỹ phẩm… vẫn còn hạn chế. Chất lượng giống vẫn là điểm yếu lớn. Giống cá tra ở giai đoạn ương có tỷ lệ sống thấp; giống cá biển vừa thiếu số lượng, vừa kém chất lượng; giống tôm hùm, nhuyễn thể… phần lớn vẫn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên. Rủi ro dịch bệnh, ô nhiễm môi trường còn phổ biến.

Dù đã có những doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đạt quy mô hàng đầu thế giới như Minh Phú (tôm), Vĩnh Hoàn (cá tra), nhưng nhìn chung, tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu còn thấp; các sản phẩm phi thực phẩm từ phụ phẩm thủy sản chưa phát triển mạnh mẽ. Công nghệ khai thác và bảo quản trên tàu cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Việc chưa hiểu rõ quy luật sinh trưởng, phân bố của các loài thủy sản khiến tổn thất sau thu hoạch cao hơn mức trung bình toàn cầu. Các nghiên cứu thị trường, quản trị chuỗi giá trị, phục vụ xây dựng chính sách còn ít hoặc thiếu tính thực tiễn. Nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính kết nối. Số lượng doanh nghiệp tham gia ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế.

Tập trung cho các chương trình dài hơi, công nghệ chiến lược

Trước thực tiễn đó, định hướng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành thủy sản thời gian tới sẽ bám sát tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW, tập trung vào 5 trụ cột: thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược.

Theo TS. Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư, ngành sẽ xây dựng các chương trình, dự án khoa học công nghệ dài hạn, nhằm chọn tạo giống thủy sản có khả năng sinh trưởng nhanh, kháng bệnh, thích nghi với điều kiện bất lợi, phù hợp với nuôi công nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến; ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) nhằm tiết kiệm nước, thức ăn, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ngành cũng sẽ tập trung phát triển giống và nuôi thương phẩm các đối tượng tiềm năng như cá biển quy mô lớn, cá nước mặt quy mô công nghiệp; sản xuất giống rong biển chất lượng cao, xây dựng quy trình canh tác phù hợp với các vùng biển mở. Đồng thời, xây dựng chương trình dịch tễ học bệnh thủy sản cho các đối tượng có giá trị kinh tế, đặc biệt với các bệnh mới nổi trên các đối tượng nuôi chủ lực; nghiên cứu sản xuất vaccine, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm thay thế kháng sinh. Có quy trình giám sát chủ động, hướng dẫn phòng trị bệnh hiệu quả và bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ngành cũng định hướng phát triển công nghệ khai thác hiện đại, cơ giới hóa, bảo quản hải sản tiên tiến trên tàu; nghiên cứu công nghệ chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Song song đó là hoàn thiện, vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản, kiểm ngư; kết nối, chia sẻ dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” trong toàn ngành. AI sẽ được ứng dụng trong phân tích, cảnh báo thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh.

Nguồn nhân lực vẫn là khâu yếu, vì vậy ngành xác định sẽ gắn đào tạo với doanh nghiệp để từng bước nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Ngoài ra, ngành thủy sản sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hợp tác công - tư với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, tập đoàn đa quốc gia, viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Định hướng phát triển khoa học, công nghệ ngành thủy sản
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO