Cải thiện tỷ lệ nội địa hoá
Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã gia tăng đáng kể. Theo thống kê, Việt Nam đang có khoảng 5.000 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng; trong đó, có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn quốc, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Các doanh nghiệp này đang cung cấp các sản phẩm như dây cáp điện, hộp số, linh kiện nhựa, phục vụ cho các ngành công nghiệp chủ lực như điện tử, ô tô và dệt may.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đủ sức phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu sang một số thị trường quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ.
Tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp cũng đã có sự cải thiện rõ nét. Trong lĩnh vực dệt may và da giày, tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 45 - 50%. Đối với ngành cơ khí chế tạo, tỷ lệ này đạt khoảng 15 - 20%, trong khi sản xuất và lắp ráp ô tô dao động từ 5 - 20%. Những con số này cho thấy, các doanh nghiệp trong nước đang từng bước xây dựng uy tín và vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam có cơ hội lớn để thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhờ vào lực lượng lao động trẻ dồi dào. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã thực hiện chiến lược chuyển dịch sản xuất đến gần hơn với thị trường tiêu thụ, đây là cơ hội để Việt Nam có thể gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng đã bắt đầu cải thiện trình độ sản xuất, từ đó nâng cao khả năng cung cấp sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và độ chính xác tốt. Đặc biệt, họ đã có thể cung cấp phụ tùng và linh kiện như phụ tùng nhựa, cao su cho các sản phẩm điện tử, ô tô, xe máy và các sản phẩm máy móc thiết bị khác.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, song quy mô và năng lực của đa số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn còn nhiều hạn chế. Theo các chuyên gia, số lượng doanh nghiệp trên chưa đủ lớn để tạo ra sức mạnh cạnh tranh mạnh mẽ. Điều này thể hiện rõ ràng qua việc nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn phải đối mặt với khó khăn trong việc cạnh tranh về giá cả lẫn chất lượng.
Tình hình kinh tế thế giới cũng cho thấy nhiều khó khăn và thách thức; chính sách bảo hộ của các nước đã gia tăng nhiều tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng. Sự kết nối giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp FDI cũng là một hạn chế.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam, nhưng mối liên kết giữa họ và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thật sự chặt chẽ. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể tham gia ở mức sâu hơn trong chuỗi cung ứng quốc tế.
Cần sửa đổi chính sách về công nghiệp hỗ trợ
Theo các chuyên gia, một trong những biện pháp quan trọng hiện nay là nhanh chóng sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, với những nỗ lực ban hành các chính sách ưu đãi mới để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Để tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống hạ tầng. Những cải cách này có thể bao gồm việc xây dựng các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như cải thiện các khu công nghiệp, khu chế xuất để tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Một yếu tố quan trọng khác là cải thiện hệ thống giáo dục và đào tạo nhân lực. Do đó, cần một lực lượng lao động tay nghề cao để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp FDI, cũng như nâng cao được năng lực sản xuất nội địa; cần có lộ trình rõ ràng cho việc đào tạo và cải tiến hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng cần tích cực thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Toyota. Việc này không chỉ giúp các doanh nghiệp trong nước có thêm cơ hội hợp tác mà còn giúp họ học hỏi và cập nhật công nghệ mới. Cuối cùng, việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng là một yếu tố cốt lõi để nâng cao giá trị sản phẩm. Ngành công nghiệp hỗ trợ cần có những chương trình nghiên cứu, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Không ít ý kiến cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể nhưng vẫn cần vượt qua nhiều thách thức để có thể phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Sự thành công của ngành công nghiệp hỗ trợ không chỉ phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ từ Nhà nước mà còn cần sự đồng lòng từ cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển nhân lực chất lượng cao và cải thiện hệ thống hạ tầng sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới.