Định hình tương lai nền nông nghiệp

- Thứ Tư, 03/02/2021, 06:35 - Chia sẻ
Năm 2020, cho dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường và ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội nước ta nhưng với ngành nông nghiệp lại là năm thành công ngoài mong đợi.

Đó là kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ạt hơn 41 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; thu nhập bình quân của nông dân đạt khoảng 43 triệu đồng/người/năm; 62% số xã về đích trong xây dựng nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao... Vậy nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi lo, trong đó đáng kể là mối liên kết trong sản xuất, kinh doanh.

Ví dụ, trong vụ lúa Đông Xuân năm 2016 - 2017 ở đồng bằng sông Cửu Long, dù năng suất giảm nhưng giá lúa tăng, nông dân được hưởng lợi trong khi doanh nghiệp lại canh cánh lo không mua được lúa dù nhiều hộ đã ký kết hợp bao tiêu. Gần đây nhất, tại Hội nghị triển khai kịch bản phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và tổng kết, đánh giá mô hình sản xuất lúa ST24, ST25 trong vùng sản xuất lúa trên đất tôm phía Bắc Quốc lộ 1A, vấn đề này lại được đề cập tới. Đó là do giá lúa trên thị trường cao hơn giá cam kết bao tiêu từ 1 - 2.000 đồng/kg nên doanh nghiệp khó thu mua, dù đã có doanh nghiệp thỏa thuận lại giá với nông dân nhưng cái khó vẫn nghiêng về doanh nghiệp.

Thực tế này, như nhận định của đại diện Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là khá phổ biến: Nông dân không bán nông sản cho doanh nghiệp dù có thỏa thuận mà bán cho tư thương. Còn ở góc độ doanh nghiệp, cũng có những vụ việc xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm, "bỏ của chạy lấy người", dù ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng đến kỳ thu hoạch lại không thu mua... Lý lẽ thì có nhiều, nhưng điểm mấu chốt là chưa thực sự tạo được "chất kết dính" giữa doanh nghiệp, nông dân và do chưa phân định rõ lợi ích và trách nhiệm; là do định hướng quy hoạch vùng nguyên liệu lớn thiếu ổn định.

Lý giải cụ thể hơn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, câu chuyện của chúng ta là hợp tác và liên kết. Muốn vậy phải định vị được thị trường và thị trường sẽ điều chỉnh lại sản xuất, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật. Giai đoạn tới phải đưa kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã ở vị trí tương xứng với tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Phải xem đây là cứu cánh để vượt qua "lời nguyền" sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thời gian qua...

Một tín hiệu rất vui là các tập đoàn lớn trước đây không tham gia vào nông nghiệp thì gần đây đã đầu tư nhiều vào lĩnh vực này không chỉ vì lợi nhuận mà họ mong muốn tạo ra một cú hích để thay đổi hình ảnh nông nghiệp Việt Nam, góp phần đưa nông sản nước ta ra nước ngoài cũng như chế biến ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Chúng ta trân trọng sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp bởi cơ cấu lại nông nghiệp phải có người dẫn dắt nhưng cũng không quên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ - ông Hoan nhấn mạnh.

Chắc chắn rằng với tiến trình hội nhập như hiện nay, nước ta phải hướng tới nền nông nghiệp sạch, xanh nhanh hơn nữa. Đồng thời phải tạo thành chuỗi giá trị. Như "định hình" của ông Hoan là cùng với hỗ trợ đầu vào để tăng sản lượng thì phải kích hoạt đầu ra để tạo thị trường ổn định. Khi đầu ra được kích hoạt thông suốt thì đầu vào sẽ tự động điều chỉnh, "co giãn" theo thị trường. Khi đó, nước ta không chỉ là quốc gia xuất khẩu nông sản tươi ở nhóm đầu thế giới mà còn xuất khẩu sản phẩm công nghiệp thực phẩm từ nông sản. Đó mới là hình ảnh nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.

Và để "định hình" này trở thành hiện thực, trước tiên cần thay đổi tư duy, nhận thức nông dân, không thể mãi theo tập quán, vẫn theo lối mòn "tâm lý đám đông" đổ xô đi trồng, đi nuôi rồi lại dư thừa, lại kêu gọi "giải cứu". Đặc biệt là câu chuyện hợp tác, liên kết. Nếu vẫn cứ lỏng lẻo như hiện nay thì sản xuất nông nghiệp sẽ vẫn bấp bênh.

Ninh Hà