Hôm nay (14.5), 2 bệnh nhân này được xuất viện sau hơn 2 tuần thực hiện thành công phương pháp cấy hạt phóng xạ. Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (BV Bạch Mai) cho biết, đây là một kỹ thuật hiện đại, đưa các hạt phóng xạ I-125 kích thước nhỏ, phát tia gamma năng lượng thấp vào tổ chức khối. Các hạt phóng xạ này có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư tại chỗ, nhưng lại không, hoặc ảnh hưởng rất ít tới các tế bào lành xung quanh. Đây chính là ưu điểm nổi bật của kỹ thuật này. Bên cạnh đó, do các hạt phóng xạ có thời gian bán rã không quá ngắn và không quá dài (với I-125 là 60 ngày) nên có thể để lại các hạt phóng xạ trong lòng tuyến tiền liệt mà không cần lấy ra sau khi cấy hạt phóng xạ vào.
Nếu được chỉ định điều trị bằng phương pháp này, chất lượng sống của bệnh nhân sẽ tăng cao, với tỷ lệ kiểm soát u tại chỗ khoảng 97%; thời gian và liệu trình điều trị ngắn; ít để lại biến chứng so với các phương pháp điều trị hiện tại, đặc biệt là chức năng sinh lý. Tuy nhiên, điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng phương pháp cấy hạt phóng xạ chỉ được áp dụng đối với những bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, chưa có di căn, chưa có xâm lấn. Những bệnh nhân mắc bệnh giai đoạn muộn sẽ không đủ điều kiện để sử dụng phương pháp này.
Điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng phương pháp cấy hạt phóng xạ mới được sử dụng rộng rãi tại một số nước phát triển trong một vài năm gần đây như: Mỹ, Đức, Nhật Bản… Một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc cũng đã bước đầu áp dụng và phổ biến phương pháp này.
Lan Chi