Điều trị bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19

- Thứ Bảy, 18/09/2021, 06:18 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia y tế, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 thường đã khó, điều trị cho những trường hợp tâm thần nhiễm bệnh còn khó hơn, vì đây là đối tượng đặc thù, không thể tự chăm sóc, bảo vệ bản thân trước bệnh tật. Tuy nhiên, các y bác sĩ tại nhiều bệnh viện tâm thần vẫn đang nỗ lực hết mình để điều trị cho nhóm bệnh nhân này.
Phân luồng khoa học, tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện có bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19
Nguồn: Bộ Y tế

Phân luồng, cách ly khoa học

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế); Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 Nguyễn Tuấn Hưng cho biết, vì không có nhận thức nên bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 thể di chuyển khắp nơi, việc trở thành nguồn lây là rất cao. Họ cũng không tự ý thức thực hiện 5K hoặc có thể trốn viện ra ngoài bằng nhiều hình thức mà nhân viên y tế khó có thể kiểm soát hoàn toàn 100% bệnh nhân. Bên cạnh đó, việc điều trị cho F0 như cho uống thuốc, đeo bình oxy cũng khó thực hiện hơn; không thể đưa bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 chuyển nặng về trung tâm hồi sức cấp cứu khác mà phải điều trị tại chỗ. Nhóm bệnh nhân này rất đặc thù nên cần chuẩn bị phương án tối ưu để chăm sóc, điều trị, cách ly riêng biệt.

Thực tế, từ 2 ổ dịch Covid-19 đầu tiên ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 và Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa (Đồng Nai), Tổ công tác Bộ Y tế đã đưa ra kế hoạch chống dịch bài bản ở tất cả các khâu. Cụ thể như phân luồng, đánh giá nguy cơ; kết nối Telehealth để hội chẩn chuyên môn từ xa. Bên cạnh đó, thiết lập sơ đồ để nhận biết vùng xanh, đỏ, vàng; phân loại kỹ theo đặc thù thu dung, chăm sóc; cơ chế phối hợp chuyển tuyến, chuyển tầng cũng luôn sẵn sàng. Mặt khác, công tác giám sát, cách ly y tế phải thực hiện chặt chẽ; cứ 3 ngày/test nhanh (hoặc PCR) 1 lần đối với các tượng nguy cơ và 7 ngày làm xét nghiệm toàn bộ nhân viên, bệnh nhân và người bệnh… Điều trị, giảm nhẹ ngay từ tuyến dưới cũng là nhiệm vụ trọng tâm nên Tổ công tác đã hướng dẫn lập nhiều phân khu khoa học như khu điều trị; khu hồi sức; khu buồng đệm… Mỗi buồng bệnh nhân không triệu chứng chỉ kê tối đa 6 giường, bảo đảm đầy đủ trang thiết bị và các thuốc điều trị cho F0.

Đối với F0 điều trị theo các khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa đề nghị, phân nhóm đối tượng trong từng khoa theo các mức nguy cơ thấp, cao, rất cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Lực lượng y tế cần theo dõi sát các nhóm này để can thiệp y tế kịp thời, hạn chế chuyển biến nặng; có phương án thành lập đơn vị hồi sức tích cực dành riêng cho những bệnh nhân tâm thần trở nặng và cần chăm sóc hồi sức tích cực. Song song với đó là bảo toàn lực lượng, thực hiện quy trình sàng lọc, phân luồng, cách ly để tiếp tục bảo vệ “vùng xanh”, những khu vực chưa có F0. 

Sẵn sàng tinh thần ứng phó

Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa (Đồng Nai) Bùi Thế Hùng cho biết, ngay khi có kết quả chùm ca nhiễm, Viện đã phong tỏa toàn bộ các khoa điều trị nội trú. Cùng với tăng tốc khoanh vùng, khống chế ổ dịch, điều trị theo đúng phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế với quyết tâm ổn định ngay từ đầu. Để dự phòng các tình huống xấu có thể xảy ra, Viện đã chuẩn bị 200 giường đủ điều kiện điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong đó, có 160 giường cho bệnh nhân nhẹ, 30 giường cho bệnh nhân vừa, 10 giường cho bệnh nhân có chuyển biến nặng. Các y bác sĩ sẵn sàng tinh thần 3 ca, 4 kíp để ứng phó.

Song song với điều trị, Viện cũng chú trọng chăm sóc tốt về dinh dưỡng để nâng cao thể trạng cho bệnh nhân tâm thần; các nhân viên y tế hỗ trợ và tham gia vệ sinh cho người bệnh, quần áo thu gom và xử lý khoa học, tránh tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ. Tại các buồng bệnh, phòng làm việc được vệ sinh, khử khuẩn 2 lần/ngày. Đồng thời, người bệnh còn được chia nhóm sinh hoạt, tập thể dục theo các khung giờ phù hợp.

Luôn giữ vững tinh thần chiến đấu với dịch bệnh, ông Bùi Thế Hùng khẳng định, dù vất vả đến mấy thì y bác sĩ tại đây vẫn từng ngày động viên nhau vượt qua. Tổng số bệnh nhân tâm thần ở Viện có đến trên 600 người, trong đó có hơn 400 thuộc diện bắt buộc phải đi điều trị. Thời gian tới, vaccine về, Viện sẽ chủ động tiêm hết cho các bệnh nhân chưa mắc Covid-19.

Với Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, Giám đốc Võ Thành Đông nhận định, khó khăn nhất hiện nay chính là vấn đề vaccine, bởi không có cách nào khác có thể bảo vệ bệnh nhân tâm thần bằng vaccine. Do đó, lãnh đạo Bệnh viện đề xuất Bộ Y tế sớm có phương án hỗ trợ, điều phối vaccine về Đồng Nai; tăng cường kinh phí phòng, chống dịch, thiết bị, bảo hộ, xét nghiệm, hỗ trợ người tham gia chống dịch. 

Dương Cầm