TP.HCM:

Vụ nhà mua hợp pháp, bất ngờ bị kê biên tại TP.HCM: Cần đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân

- Thứ Sáu, 11/11/2022, 10:01 - Chia sẻ

“Việc bà Hạnh nhận chuyển nhượng căn nhà là hợp pháp, ngay tình, chúng tôi nghĩ rằng cơ quan chức năng phải làm rõ vấn đề này trên cơ sở làm sao đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”, luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý, Đoàn luật sư TP HCM nhận định.

Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân

Nhà mua hợp pháp, 5 năm sau mới biết là tài sản đang bị kê biên
Căn nhà số 243 Bình Trị Đông, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân.

Như Báo điện tử Đại biểu Nhân dân phản ánh, bà Võ Phạm Hồng Hạnh (ngụ quận 11, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, bà là chủ sở hữu căn nhà số 243 Bình Trị Đông, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân (trước đây là số 21/6 ấp 1, xã Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh). Căn nhà trên có nguồn gốc là của vợ chồng ông Nguyễn Văn Cẩm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bà Hạnh mua lại năm 2010.

Bất ngờ, năm 2015 bà Hạnh được biết Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh ngăn chặn chuyển dịch căn nhà trên để thi hành bản án hình sự phúc thẩm số 2350 ngày 25.10.2004 của tòa phúc thẩm Toà án nhân dân (TAND) tại thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM).

Luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý, Đoàn luật sư TP HCM nhận định, qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc thấy rằng, cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND TP HCM và TAND Tối cao tại TP HCM đều nhận định khế ước lập năm 1996 thì Thái Văn Tuấn đã tự ghi tên và giả chữ ký người đứng tên vay là ông Nguyễn Văn Cẩm và thực hiện bảo lãnh là mang căn nhà số 21/6 ấp 1, xã Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh (nay là số 243 Bình Trị Đông, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) thế chấp tại ngân hàng.

Cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều xác định căn nhà này là của vợ chồng ông Cẩm, việc Thái Văn Tuấn lợi dụng quá trình làm thủ tục hồ sơ đã tự ý giả chữ ký của ông Cẩm để thế chấp vay ngân hàng mà ông Cẩm không biết dẫn đến việc năm 2010 vợ chồng ông Cẩm chuyển nhượng bán căn nhà trên cho bà Hạnh. Việc bà Hạnh nhận chuyển nhượng căn nhà là hợp pháp, ngay tình. 

“Chúng tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng phải làm rõ vấn đề này và trên cơ sở phải làm sao đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Hạnh, người nhận chuyển nhượng, mua căn nhà hợp pháp”, luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý nhấn mạnh.

Nội dung vụ việc

Nhà mua hợp pháp, 5 năm sau mới biết là tài sản đang bị kê biên
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của bà Hạnh được UBND quận Bình Tân cấp theo đúng quy định pháp luật.

Theo hồ sơ, người tên Thái Văn Tuấn đã lợi dụng việc ông Cẩm nhờ làm hồ sơ nhà để giả chữ ký của ông Cẩm lấy giấy tờ thế chấp vay Ngân hàng TMCP Nam Đô (ngân hàng) 1,5 tỷ đồng từ năm 1996. Ngoài ra, Tuấn còn làm giả nhiều hồ sơ khác để lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của ngân hàng.

Năm 1998, Bộ Công an ra lệnh kê biên đối với căn nhà. Năm 2000, bản án phúc thẩm của tòa phúc thẩm TAND Tối cao tuyên phạt Tuấn về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. 

Đến năm 2004, bản án phúc thẩm số 2350 của tòa phúc thẩm TAND Tối cao tuyên phạt Tuấn về tội Lừa đảo. Trong quá trình tố tụng, ông Cẩm và nhiều người khác bị Thái Văn Tuấn giả chữ ký tham gia với vai trò người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Các bản án cũng tuyên duy trì kê biên đối với căn nhà của ông Cẩm để giải quyết công nợ cho ngân hàng.

Tuy vậy, năm 2010, UBND quận Bình Tân vẫn cấp giấy chứng nhận chủ quyền nhà đất trên cho ông Cẩm. Sau đó, bà Hạnh mua căn nhà trên với đầy đủ thủ tục hợp pháp. Ngày 15.3.2010, bà Hạnh được UBND quận Bình Tân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Sử dụng căn nhà ổn định suốt 5 năm, ngày 13.8.2015, bà Hạnh bất ngờ nhận được công văn ngăn chặn dịch chuyển, thay đổi hiện trạng đối với tài sản kê biên thi hành án là chính căn nhà của mình.

Về quy trình cấp “sổ đỏ”, qua rà soát quy trình, thành phần hồ sơ cấp giấy chứng nhận trên, UBND quận Bình Tân chưa phát hiện có sai sót trong quá trình cấp giấy chứng nhận. Quận Bình Tân xác định lệnh kê biên và bản án sơ thẩm, phúc thẩm thì nơi gửi không có UBND quận Bình Tân nên quận không phát hiện căn nhà trên có liên quan đến vụ án.

Liên quan đến vụ việc này, Cục Thi hành án dân sự TP HCM đã gửi công văn đến Chánh án TAND TP HCM và Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM đề nghị giải thích bản án. 

Nhà mua hợp pháp, 5 năm sau mới biết là tài sản đang bị kê biên
Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh nhiều lần gửi công văn đến Chánh án TAND TP HCM và Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM đề nghị giải thích bản án nhưng chưa nhận được phản hồi.

Theo Cục Thi hành án, cả hai bản án phúc thẩm số 3272 và 2350 đều nhận định bị cáo Tuấn tự ý giả chữ ký của ông Cẩm để thế chấp căn nhà. Riêng bản án 2350 còn nhận định hành vi của Tuấn đối với việc thế chấp căn nhà của ông Cẩm là "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tuy nhiên, cả hai bản án đều tuyên duy trì lệnh kê biên của Bộ Công an đối với căn nhà của ông Cẩm để giải quyết công nợ cho ngân hàng, trong khi ông Cẩm không phải là người có nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng. 

Vì vậy, để có cơ sở giải quyết việc thi hành án, đảm bảo quyền lợi cho bà Hạnh và các đương sự, Cục Thi hành án đề nghị các cấp tòa giải thích căn nhà trên "là tài sản hợp pháp của ông Nguyễn Văn Cẩm hay tài sản của ông Thái Văn Tuấn để đảm bảo thi hành án…".

Dù Cục Thi hành án dân sự TP HCM nhiều lần gửi công văn đề nghị giải thích bản án và phía bà Hạnh đã gửi đơn kêu cứu, phản ánh nhiều nơi nhưng đến nay sự việc chưa được giải quyết.

* Báo điện tử Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các cơ quan liên quan đến bạn đọc và cử tri cả nước.

Trung Kiên
#