Thường trú hay tạm trú?

- Thứ Bảy, 28/05/2022, 06:06 - Chia sẻ

Khoảng cách trong tiếp cận quản trị tốt và dịch vụ công có chất lượng giữa hai nhóm người thường trú và người tạm trú tại các địa phương là một trong những nội dung mới được đề cập tới tại Chỉ số hành chính công cấp tỉnh.

Nội dung này được đặt ra trong bối cảnh những trải nghiệm của người dân trước làn sóng lần thứ 4 của đại dịch Covid-19 diễn ra trong năm 2021. Những trải nghiệm của người dân đã đưa đến mong muốn và kiến nghị cần phải có những chính sách phản ứng linh hoạt, bảo đảm quyền tiếp cận của người dân mà không phân biệt thường trú hay tạm trú. Điều này, càng đặc biệt quan trọng khi làn sóng di cư nói chung, và di cư nội địa nói riêng trở thành một phần không thể thiếu của tiến trình phát triển KT - XH. 

Trong mẫu khảo sát PAPI 2021, có tới 1.042 người tạm trú ở 12 tỉnh, thành phố có  người nhập cư đã được phỏng vấn bên cạnh nhóm thường trú với mục đích tìm hiểu xem người tạm trú đánh giá như thế nào về hiệu quả quản trị và cung ứng dịch vụ công ở những địa phương tiếp nhận họ.

Năm thứ hai của đại dịch Covid-19 đã khiến những thách thức trong quản trị công vốn có ở các tỉnh, thành phố tiếp nhận nhiều người di cư nội địa trở nên trầm trọng hơn đối với cả hai nhóm người thường trú và người tạm trú. Người tạm trú và người thường trú có những điều kiện và địa vị chính trị, kinh tế và xã hội khác nhau tại cùng một địa phương. Người tạm trú thường nghèo hơn với điều kiện vật chất khó khăn hơn và thu nhập thấp hơn so với người thường trú. Họ cũng là người trẻ tuổi hơn (trẻ hơn nhóm người thường trú khoảng 7 tuổi khi so sánh số tuổi trung bình của hai nhóm), có trình độ học vấn thấp hơn. Tỉ lệ nữ trong nhóm tạm trú cũng cao hơn so với tỉ lệ nữ trong nhóm thường trú. Đáng chú ý hơn, người tạm trú ít có mối quan hệ tương tác với chính quyền hơn so với người thường trú, thể hiện qua tỉ lệ người tạm trú là Đảng viên chỉ là 3%, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 10% người thường trú là Đảng viên. 

Sự khác biệt này cho thấy, người tạm trú có những trải nghiệm và cảm nhận về quản trị địa phương không bằng người thường trú. Đánh giá của hai nhóm tạm trú và thường trú khác nhau nhiều nhất ở hai chỉ số nội dung "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở" và "Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương". Kết quả của từng tỉnh, thành phố tiếp nhận nhập cư cho thấy, người thường trú ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Long An có nhiều cơ hội tham gia và được tiếp cận nhiều thông tin hơn người tạm trú. Người thường trú ở Long An có ít trải nghiệm phải chung chi hơn người tạm trú ở tỉnh này. Ngược lại, ở Cần Thơ và Lai Châu, người tạm trú cho biết họ ít phải chung chi, đưa hối lộ hơn so với người thường trú.

Với mức điểm đánh giá thấp hơn như vậy, tỉnh hoặc thành phố đó rất có thể bị đứng ở vị trí thứ hai từ dưới lên trong danh sách của tất cả 63 tỉnh, thành phố. Như vậy, dư địa để tỉnh/thành phố đó đạt được mức điểm mà người thường trú đánh giá về hiệu quả quản trị và hành chính công sẽ cần chính quyền địa phương nỗ lực làm tốt hơn các tỉnh, thành phố khác. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, khi được hỏi về mức độ hài lòng với chính quyền địa phương ở các tỉnh, thành phố khảo sát mở rộng, tỉ lệ người thường trú và tỉ lệ người tạm trú cảm thấy hài lòng gần bằng nhau. Mức độ hài lòng này cũng phản ánh đánh giá của người dân về cách ứng phó với Covid-19 của chính quyền các cấp nơi tiếp nhận nhập cư trong năm thứ hai của đại dịch. 

Một quốc gia đang phát triển với nền kinh tế ngày càng năng động và người di cư trong nước vì việc làm là đặc điểm chính trong câu chuyện tăng trưởng thành công của Việt Nam. Điều này dẫn tới việc cần quan tâm tới cách thức người di cư biết đến các cơ hội việc làm và mức độ sẵn sàng làm quen với thông tin về cơ hội cải thiện tình hình kinh tế của bản thân và gia đình và giá trị của việc chấp nhận rủi ro từ việc di cư.

Điều thú vị là những người tạm trú nhận được câu hỏi về tác động của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có xu hướng tìm đọc thêm về hiệp định này hơn so với những người không được hỏi về tác động của hiệp định này. Khác với người tạm trú, người thường trú không quan tâm tìm hiểu thêm về Hiệp định EVFTA cho dù họ được hỏi về tác động của hiệp định. Như vậy, một lần nữa cho thấy việc khảo sát nhu cầu pháp luật có một vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Thực hiện tốt được điều này sẽ đạt được mục tiêu "đúng, trúng" đối tượng. 

Đình Khoa