Đúng đắn và phù hợp

- Thứ Năm, 19/05/2022, 06:48 - Chia sẻ

Tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XIII đã bàn và thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cụ thể hóa việc này, mới đây, TP Hà Nội - địa phương đầu tiên của cả nước đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - thể hiện quyết tâm chính trị cao, hành động nhanh. Đặc biệt là kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến đột phá, tích cực, mạnh mẽ, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", trở thành xu hướng tất yếu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của thành phố, góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác phòng, chống tham nhũng đã được triển khai quyết liệt, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả rõ nét, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những "điểm nghẽn" nhất định.

Điều này thể hiện qua việc chỉ trong năm 2021, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 3.725 vụ/7.066 bị can về tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Nhiều vụ án lớn cũng đã bị khởi tố, mở rộng điều tra hoặc khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, trong đó có nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Ngoài ra, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp cơ sở chưa được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, đặc biệt là tình trạng "tham nhũng vặt" vẫn diễn ra phổ biến, gây nhức nhối, bức xúc trong nhân dân mà nguyên nhân chính là do việc áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng vặt ở nước ta, đặc biệt là ở cấp chính quyền địa phương còn chưa triệt để, thiếu kiên quyết.

Phân tích thêm nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức, cấp ủy đảng ở nhiều nơi thời gian qua còn theo "xu hướng" chạy theo vụ việc, thậm chí bị động. Công tác kiểm tra phòng ngừa vi phạm là một trong những hạn chế nên dẫn đến tình trạng khi phát hiện, xử lý thì hậu quả đã quá nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân nữa là vẫn còn không ít người đứng đầu chưa dành nhiều thời gian, tâm sức cho việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra, giám sát để phòng ngừa. Nhiều nơi, người đứng đầu cấp ủy “khoán trắng” việc kiểm tra, giám sát cho ủy ban kiểm tra cùng cấp và cho thường trực cấp ủy hoặc phó bí thư chuyên trách mảng công tác xây dựng Đảng.

Tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở hầu thết mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Chỉ một chút lơ là, buông lỏng quản lý, giám sát, buông lỏng kiểm soát quyền lực sẽ xuất hiện tham nhũng, tiêu cực. Do đó, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là điều rất cần thiết, bởi đây là "cánh tay nối dài”của Ban Chỉ đạo ở Trung ương nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong nhân dân cũng như tình trạng tiêu cực, tham nhũng ở địa phương.
Và để thực hiện được điều này, quan trọng là phải nghiêm túc tổ chức, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nêu trong Đề án, từ đó tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Khương Ninh