Điều 65, Luật Phá sản năm 2014 quy định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải tiến hành kiểm kê tài sản và xác định giá trị tài sản đó sau khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã vắng mặt thì người được quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản chỉ định làm đại diện của doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện công việc kiểm kê và xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên trên thực tế, việc kiểm kê tài sản và xác định giá trị tài sản hiện đang gặp rất nhiều khó khăn khi khó xác định tài sản kiểm kê. Đặc biệt, trong trường hợp người đại diện của doanh nghiệp cố ý vắng mặt và người được quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản chỉ định có nghĩa vụ thực hiện việc kiểm kê, xác định giá tài sản nhưng không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng không nắm bắt được hết về tình hình của công ty nên quá trình thực hiện gặp rất khó khăn gây mất thời gian, tốn kém về tiền bạc, công sức... Liên quan đến vấn đề này, Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14.8.2015 đã quy định phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với trường hợp không hợp tác trong công tác kiểm kê tài sản, tuy nhiên đối với một doanh nghiệp thì mức phạt này còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe.
Bên cạnh đó, Điều 99, Luật Thi hành án dân sự quy định việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện trong các trường hợp: Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản; đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản… Trong khi đó, Điều 123, Luật Phá sản năm 2014 lại quy định việc định giá lại tài sản được thực hiện khi có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 122 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản. Như vậy, so với Luật Thi hành án dân sự thì quy định tại Luật Phá sản đã thu hẹp lại các trường hợp định giá lại tài sản. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến quyền lợi của chủ nợ.
Ngoài ra, một thực tế cho thấy hiện nay có rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp phải mượn tài sản của bên thứ ba để thế chấp vay ngân hàng. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba. Thế nên tài sản của bên thứ ba không có cơ chế bảo đảm khi khoản vay mất khả năng thanh toán, hoặc doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản.
Từ thực tế này, để bảo đảm tính thống nhất và quyền lợi hợp pháp của chủ nợ khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn đối với các trường hợp không hợp tác trong công tác kiểm kê tài sản; đồng thời sửa đổi quy định về định giá lại tài sản trong Luật Phá sản theo hướng tương thích với Luật Thi hành án dân sự.