Cần lắm sự chung tay của cộng đồng

- Thứ Tư, 25/05/2022, 06:05 - Chia sẻ

Những năm gần đây Chính phủ đã có nhiều chỉ thị liên quan đến việc bảo tồn các loại động vật hoang dã. Trong đó phải kể đến Chỉ thị số 28/CT-TTg, ngày 17.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật; Chỉ thị số 29 CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23.7.2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; và gần đây Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Chỉ thị 4/CT-TTg ngày 17.5.2022 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Điều này cho thấy, sự quan tâm của Chính phủ về việc bảo vệ động vật hoang dã. Tuy vậy, việc mua bán các loại động vật hoang dã, nhất là vào các dịp trước, sau Tết nguyên đán, các kỳ nghỉ lễ. Việc bẫy, bắt, buôn bán và tiêu thụ trái phép… phục vụ các nhu cầu của con người, từ ăn thịt (nai, linh dương, sóc, khỉ, hoẵng, mèo rừng…) đến lấy mỏ để điêu khắc mỹ nghệ (các loại chim, như chim Hồng Hoàng, chim Cao cát…). Phản ánh của cơ quan chức năng cho thấy, chỉ trong 1km nhưng có đến gần 400 chiếc bẫy rút làm từ dây cáp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và sinh vật.

Chỉ thị 4/CT-TTg đã nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Chẳng hạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư; hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư, bao gồm bảo vệ các sinh cảnh, tuyến di cư xuyên biên giới và điểm dừng chân của chúng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư, đặc biệt vào mùa chim di cư (từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau)…

Cho đến nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu; các vùng chim hoang dã, di cư đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng, góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam. Hiện, Việt Nam đã ghi nhận được hơn 900 loài chim, trong đó 99 loài cần quan tâm bảo tồn, 10 loài cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp và 48 loài sắp bị đe dọa.

Liệu chúng ta có giữ được ví trí và số lượng loại nêu trên? Không chỉ dừng lại ở những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương mà còn là sự chung tay của cộng đồng, khi cung giảm thì cầu cũng sẽ giảm. Chỉ thị chỉ phát huy được hiệu quả khi nhận thức của người dân về bảo vệ động vật hoang dã được cải thiện. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhất là đối với thế hệ trẻ, cần thực hiện nghiêm các chế tài vi phạm pháp luật về săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ chim hoang dã, di cư, không làm theo phong trào, theo đợt mà cần thực hiện thường xuyên nhất là mùa du lịch, dịp lễ tết…

Phạm Hải