Nhịp cầu

Điều tra, đánh giá lại chất lượng rừng

- Thứ Ba, 12/05/2020, 06:45 - Chia sẻ
Thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức trên địa bàn huyện Sông Hinh, Phú Yên giai đoạn 2011 - 2019, với sự vào cuộc chủ động của chính quyền địa phương, nhất là việc đề xuất HĐND huyện ban hành nghị quyết hỗ trợ kinh phí địa phương để thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phong trào trồng rừng gỗ nguyên liệu, rừng cây gỗ lớn, phát triển nông nghiệp dưới tán rừng góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến cuối năm 2019, độ che phủ rừng toàn huyện đạt 40,33%.

Tuy nhiên, tình trạng cháy rừng diễn ra khá phức tạp, xuất hiện nhiều vùng trọng điểm cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác lâm sản trái phép. Đất lâm nghiệp giao theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP cho hộ gia đình hầu hết được giao theo hình thức kê khai, không bàn giao mốc trên thực địa, không xác định được ranh giới cụ thể, chủ sử dụng đất không xác định được diện tích đất; hình thể và diện tích thửa đất trên thực địa không khớp với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… dẫn tới tình trạng sử dụng đất sai vị trí, sai diện tích, tranh chấp đất đai, sử dụng đất, sử dụng rừng kém hiệu quả…

Theo báo cáo tại buổi làm việc mới đây của Đoàn giám sát HĐND tỉnh với UBND huyện Sông Hinh về nội dung này, nguyên nhân do chính sách về giao đất, giao rừng, cho thuê rừng, trách nhiệm và quyền hưởng lợi của các chủ rừng còn chưa cụ thể, nên địa phương còn lúng túng trong thực hiện; những khó khăn về kinh phí, nhân lực trong kiểm kê, đo đạc, phân giới, cắm mốc đất, rừng trên thực địa làm cơ sở để giao rừng, cho thuê rừng. Mặt khác, đa số người đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức về bảo vệ rừng còn hạn chế, đời sống khó khăn, nên việc chuyển nhượng lại đất còn diễn ra; chính sách hỗ trợ trồng rừng, phát triển rừng còn ít, chưa thu hút đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Địa phương đa phần chỉ giao đất trống chứ chưa giao đất gắn với rừng do hạn chế về đo đạc địa chính và định giá rừng…

Khắc phục tình trạng trên, đông đảo cử tri trên địa bàn bàn huyện cho rằng, lãnh đạo huyện cần tích cực chỉ đạo việc đo chỉnh lý địa chính đất lâm nghiệp theo quy hoạch 3 loại rừng và đất nông nghiệp ngoài quy hoạch 3 loại rừng để giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, nhất là đối với các trường hợp thu hồi do cấp sai vị trí, sai đối tượng, sai diện tích. Cùng với đó, điều tra, đánh giá lại chất lượng rừng làm cơ sở cho việc giao đất kết hợp với giao rừng, cho thuê rừng; rà soát phần diện tích khá lớn do xã quản lý, phần diện tích chưa có rừng và phần diện tích bị lấn chiếm. Quản lý chặt tình trạng di dân tự do lấn chiếm đất rừng trên địa bàn… Ngoài ra, ngành chức năng cần rà soát các văn bản pháp luật liên quan để hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng, nhất là công tác quản lý về giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn.

Bảo Hân