Diều sáo Việt ngân nga giữa trời Tây

Nhữ Sơn 30/01/2013 18:15

Trên thế giới, nhiều nước có diều truyền thống, nhưng chỉ với diều Việt Nam người xem mới có thể cùng lúc vừa nhìn ngắm cánh diều no gió, cong vút như mảnh trăng khuyết in trên nền trời xanh, vừa thưởng thức tiếng sáo ngân nga, bổng trầm…

Bay cao hơn, xa hơn

Sinh và lớn lên tại Hà Nội, tuổi thơ của nghệ nhân Quan Hằng Cao - Chủ nhiệm CLB Diều Hà Nội - gắn với cánh diều, với tiếng sáo ngân nga trên triền đê sông Hồng lộng gió những chiều hè. Dẫu đã lập nghiệp ở nước ngoài hơn 30 năm nhưng đam mê ấy luôn thôi thúc ông trở về, trăn trở, tìm cách đưa cánh diều, tiếng sáo, nét văn hóa dân gian đặc sắc của người Việt đến với bè bạn quốc tế. Theo nghệ nhân Quan Hằng Cao, trên thế giới, nhiều nước có diều truyền thống, nhưng chỉ với diều Việt Nam người xem mới có thể cùng lúc vừa nhìn ngắm cánh diều no gió, cong vút như mảnh trăng khuyết in trên nền trời xanh và thưởng thức tiếng sáo diều ngân nga, bổng trầm. 

Không giản đơn như diều Nam bộ, không cầu kỳ, đậm dấu ấn cung đình như diều Huế, diều sáo Bắc bộ là sự kết hợp tinh tế giữa hình dáng đơn sơ của cánh diều và tiếng sáo vi vút trên không trung. Cánh diều là biểu tượng cho những ước mơ, khát vọng ngàn đời của cư dân lúa nước đồng bằng Bắc bộ. Đó là ước muốn được bay cao hơn, xa hơn, chở tình yêu quê hương, xóm làng và cầu mong cho những mùa vàng bội thu. Diều và sáo được làm nên bởi những nguyên liệu thân thuộc (tre, gỗ, giấy bồi) sẵn có ở hầu hết các làng quê. Xưa, diều sáo làm hầu hết bằng tre, từ thân diều, sáo diều, lồng cuộn dây và dây diều. Để có được chiếc diều tốt, bộ sáo hay đòi hỏi sự công phu và tận tâm. 

Thú chơi diều sáo ở bất cứ nơi đâu, trên các làng quê của đất nước Việt Nam, đều mang theo những câu chuyện, những truyền thuyết thú vị, đậm tính nhân văn. Ví như ở làng Bá Dương Nội (Đan Phượng, Hà Nội) - một trong những nơi được cho là khởi nguồn của diều sáo truyền thống, cánh diều gắn với câu chuyện cảm động giữa người với tiên. Chuyện kể rằng, khi xưa trời đất giao hòa, con người và thần tiên luôn quấn quýt bên nhau. Bỗng một ngày thảm họa ập đến, thế gian tăm tối, trời và đất bị chia cắt. Bầu trời cứ cao dần, tách xa khỏi mặt đất. Thần tiên và con người không làm cách nào gặp được nhau, gây nên bao nỗi niềm thương nhớ. Cánh diều ra đời là sợi dây tình cảm nối bầu trời với mặt đất, mang theo tiếng sáo du dương bày tỏ tấm lòng của người hạ giới với cõi tiên. Nhiều vùng quê khác lại quan niệm, chơi diều sáo là gieo phúc lành cho cuộc sống. Theo truyền thuyết, các cô tiên thường rắc xuống trần gian những hạt trấu, hạt đậu khiến trẻ em mắc bệnh đậu mùa, bệnh sởi. Tiếng sáo diều ngân nga sẽ khiến các cô mải nghe mà quên mất công việc của mình, giúp trẻ em luôn khỏe mạnh, không còn bị tật bệnh. 

Diều Chú Tễu
Diều Chú Tễu

Đưa diều sáo vang xa

Có thâm niên chơi diều từ khi còn niên thiếu, nay nghệ nhân Quan Hằng Cao là thành viên Hiệp hội Diều thế giới và Hiệp hội Diều Đông Nam Á. Đam mê diều sáo, hiểu được giá trị văn hóa ẩn sâu trong nó, ông luôn trăn trở tìm cách đưa sáo diều Việt Nam ra nước ngoài, giới thiệu với bạn bè quốc tế. Nhưng diều sáo truyền thống làm bằng tre, có bộ xương diều dài 4 - 5m, rất khó vận chuyển, nhất là đưa lên máy bay. Sau một thời gian dài tìm hiểu các loại diều trên thế giới rồi mày mò, nghiên cứu, tháo lắp, làm hỏng hàng chục con diều, ông Cao đã tìm ra phương pháp cắt đôi xương diều, gấp gọn lại và khi cần việc lắp ghép lại hoàn chỉnh con diều chỉ trong vài phút. Xương diều được nối lại bằng ống kim loại nhẹ, có độ bền cao và được cố định bằng vải định hình, một loại vải siêu mỏng, nhẹ, bền, không co giãn, chuyên dùng cho diều, mà không cần đến các dây buộc.

Giải quyết xong khó khăn về vận chuyển, năm 2004, chiếc diều gắn sáo lắp ghép đầu tiên, trang trí bảy sắc cầu vồng, cất gọn trong chiếc túi dụng cụ đánh gôn, đã theo ông Cao tham dự lễ hội diều tại Pháp. Tiếng sáo diều ngân nga, vang xa khiến bè bạn thế giới kinh ngạc. Không chỉ người tham dự lễ hội trên bãi biển mà cả người dân Pháp trong các tòa nhà gần đó đều ngóng ra cửa sổ, hay đứng ra ban công để ngắm cánh diều, nghe tiếng sáo. Sự hấp dẫn của diều sáo Việt đối với người Pháp quả là một thành công lớn khiến ông Cao rất đỗi tự hào. Từ đó, người ta bắt đầu nhắc đến diều sáo Việt Nam trong mỗi lễ hội diều tổ chức khắp nơi trên thế giới. Người nước ngoài đã đến nghiên cứu, viết sách về diều sáo Việt Nam. Các chuyên gia về âm thanh thì đánh giá, sáo diều là thứ âm thanh mang tính tự nhiên khiến người nghe có thể nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần tốt nhất.

Diều truyền thống ngày xưa chỉ làm bằng giấy bồi, phết quả cậy hay bằng giấy báo, giấy xi măng, nylon... Trong khi đó, các hội thi diều trên thế giới đều đòi hỏi sự sáng tạo, khéo léo và diều của họ đã đạt đến trình độ kỹ thuật rất cao; chất liệu sử dụng làm diều được sản xuất chuyên dụng: nhẹ, mỏng, đẹp và siêu bền... Vì vậy, theo ông Cao, chúng ta muốn hội nhập thế giới, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống thì không thể cứ rập khuôn với cách làm cũ. “Nói vậy nhưng làm thế nào để thể hiện được bản sắc văn hóa Việt cũng là vấn đề cần suy nghĩ. Theo tôi, ngoài kiểu dáng diều truyền thống (hình lá chanh, lá muỗm, con thuyền) và bộ sáo độc đáo, ta cần có hình thức trang trí phù hợp. Như chiếc diều sáo may trang trí bức tranh dân gian Đông Hồ Đám cưới chuột, diều Chú Tễu mang cờ hội tham gia Festival Diều thế giới tổ chức ở miền Bắc nước Pháp được đánh giá cao”, ông Cao chia sẻ.

Hai chiếc diều Đám cưới chuột Chú Tễu được ông Cao tâm huyết, đầu tư nhiều công sức. Chiếc diều Đám cưới chuột được may khéo léo từng mảnh vải màu nhỏ xíu ghép lại mà thành. Ông Cao mất cả tháng may thử trên các chất liệu khác cho quen tay, khi may vào vải diều chuyên dụng, mỗi đường may, miếng ghép phải thật chuẩn, bởi mắc một lỗi là hỏng cả con diều. Còn diều Chú Tễu dẫu không phải diều sáo nhưng mang đậm văn hóa Việt, vì hình ảnh chú Tễu đã quá quen thuộc trong nghệ thuật rối nước. Diều Chú Tễu dài 4m, rộng 2m, bên trên là lá cờ hội xấp xỉ 8m2. Sau khi thiết kế xong, ông Cao mất đến 3 tháng để may, chỉnh sửa, hoàn thiện chi tiết từ cái miệng cười, đôi mắt, hay chiếc khố... Ông Cao vẫn còn nhớ như in cảm giác tự hào khi truyền hình Pháp đưa những hình ảnh trực tiếp về lễ hội diều với góc máy quay qua chân diều Chú Tễu có chiếc khố hoa văn thổ cẩm bay phần phật. Ông Cao hóm hỉnh bảo, nghề chính của ông là điện tử viễn thông nhưng vì mê diều, chơi diều mà ông biết và thạo thêm nhiều nghề như may, họa, nhạc, mộc, cơ khí và cả chụp ảnh.

Trở về Việt Nam, ông Cao lặn lội đến các vùng quê, tìm đến những làng nghề làm diều, những nghệ nhân làm diều sáo để truyền bá cách làm diều lắp ghép. Theo ông Cao, cần có một tổ chức đứng ra tập hợp các làng nghề diều sáo truyền thống, từ đó có chiến lược, chính sách bảo tồn, phát huy giá trị nét văn hóa đặc sắc này một cách bài bản. Ngoài ra, diều sáo tuy là nét văn hóa độc đáo của Việt Nam, song tài liệu nghiên cứu về nó chưa nhiều. Hiện chỉ có cuốn sách viết bằng tiếng Anh của hai nhà nghiên cứu người Anh và người Đức. Ông Cao và các thành viên CLB Diều Hà Nội mong muốn, thời gian tới sẽ xây dựng được một bản đồ về diều trên toàn quốc, phục vụ cho việc nghiên cứu, bảo tồn và thực hiện cuốn sách về văn hóa diều của Việt Nam.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Diều sáo Việt ngân nga giữa trời Tây
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO