An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập

Điều phối, vận hành phải nhịp nhàng, thông suốt

- Thứ Tư, 08/07/2020, 06:01 - Chia sẻ
Nhấn mạnh về tình trạng biến đổi khí hậu phức tạp, lượng mưa đột biến tăng nhanh không theo quy trình lịch sử nào cũng như sự phân bố tài nguyên nước không đều theo không gian và thời gian, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, các địa phương phải luôn đặt vấn đề an toàn hồ, đập lên hàng đầu. Muốn vậy, điều quan trọng nhất chính là công tác điều phối, vận hành giữa các nhà máy thủy điện và các hồ, đập phải hết sức nhịp nhàng, thông suốt, kịp thời.

Các địa phương đã chú trọng đầu tư

Qua cuộc khảo sát về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập tại Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng, có thể thấy, vấn đề cung cấp nước sạch cho nhân dân được các địa phương đặc biệt chú trọng đầu tư. Bởi vậy, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 135/145 xã, phường và thị trấn sử dụng nguồn nước sạch bảo đảm tiêu chuẩn, với tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đạt 90%; với Quảng Nam và Đà Nẵng, tỷ lệ này cũng đều trên 90%.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác khảo sát tại Nhà máy nước Cầu Đỏ, TP Đà Nẵng
Ảnh: Trung Thành

Tuy nhiên, thực tế khảo sát cũng cho thấy những áp lực từ sự gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao. Điều này, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, các địa phương sẽ gặp những áp lực lớn về nguồn nước cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất. Đơn cử như Quảng Nam, với tình trạng nắng nóng kéo dài, lượng nước đổ về các hồ chứa thủy lợi, thủy điện suy giảm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngọt cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Dù các địa phương này đều đã có những giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, song vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Tại Đà Nẵng, nhu cầu nước hiện tại của thành phố cần khoảng 400.000m3 nước sinh hoạt/ngày đêm, nhưng hiện mới bảo đảm khoảng hơn 300.000m3. Trong khi đó, với sự phát triển của Đà Nẵng tầm nhìn 2030 - 2045 thì nhu cầu về nước sẽ vào khoảng 800.000m3.

Từ thực tế đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc đầu tư công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất phải luôn đi trước một bước, trong đó chú trọng nâng cao áp dụng công nghệ, cải tạo những cơ sở cũ và đầu tư xây dựng mới. Qua khảo sát tại địa phương cho thấy, kết cấu hạ tầng nhiều công trình đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng cùng với những yếu kém trong quản lý dẫn đến tình trạng khai thác, sử dụng nước không hiệu quả, còn lãng phí. Ở nhiều hệ thống cấp nước đô thị, lượng nước thất thoát rất lớn làm cho khả năng cấp nước theo thiết kế của các hệ thống thủy lợi bị suy giảm trầm trọng.

Đặt vấn đề an toàn hồ, đập lên hàng đầu

Đối với tình trạng an toàn hồ, đập, điều khiến Đoàn công tác của Quốc hội "khá yên tâm" là, qua khảo sát tại một số hồ, đập và nhà máy thủy điện tại 3 địa phương thì đều được vận hành đúng quy trình, bảo đảm được vấn đề chia lũ, cắt lũ. Tuy nhiên, qua cuộc làm việc, khảo sát thực tế tại Thủy điện A Vương cho thấy, trong quá trình vận hành 10 năm qua có đến 18 đợt lũ lớn và 7 lần phải có biện pháp chia cắt lũ. Điều này cũng xảy ra ở các mức độ khác nhau tại Thủy điện Đắk Mi 4. Vì thế, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, các địa phương không được chủ quan.

Theo quy định hiện hành, trách nhiệm của chủ các hồ chứa thủy điện phải lắp đặt camera, thiết bị quan trắc giám sát tự động, trực tuyến việc vận hành xả nước của hồ chứa truyền về các đơn vị quản lý nhà nước. Tuy nhiên, đến nay có một số chủ hồ chưa thực hiện và chưa công khai số liệu vận hành hồ trên website của Cục Quản lý Tài nguyên nước. Vì vậy, UBND TP Đà Nẵng đề nghị, chủ các nhà máy thủy điện sớm lắp đặt thiết bị quan trắc đúng quy định và công khai số liệu vận hành hồ để địa phương có thể giám sát việc vận hành xả nước.

Hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, lượng mưa đột biến tăng nhanh không theo quy trình lịch sử nào. Cùng với đó là sự phân bố tài nguyên nước không đều theo không gian và thời gian. Nhấn mạnh bối cảnh này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các địa phương phải "luôn đặt vấn đề an toàn hồ, đập lên hàng đầu". Để làm được điều này, quan trọng nhất chính là công tác điều phối, vận hành giữa các nhà máy thủy điện và các hồ, đập của các địa phương phải hết sức nhịp nhàng, thông suốt và kịp thời,  Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức kiểm định an toàn hồ, đập chứa nước và lập phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du đối với những công trình thủy lợi chưa thực hiện hoặc đến hạn thực hiện. Tập trung, nâng cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, báo cáo các hành vi xâm hại công trình, vi phạm hành lang bảo vệ công trình, thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ để bảo đảm an toàn ở mức cao nhất tại hồ chứa nước thủy lợi được giao quản lý theo phân cấp.

Ngoài ra, các chủ hồ, đập hay thủy điện cũng cần chủ động chia sẻ thông tin, đưa ra những khuyến cáo để nhân dân vùng hạ du có biện pháp chủ động phòng tránh bão lũ, ứng phó khi thiên tai xảy ra. Khi xả lũ ở thượng lưu phải bảo đảm thời gian tối thiểu (theo quy định ít nhất là 4 tiếng như hiện nay, thậm chí có thể báo sớm hơn) để bà con vùng hạ du có thời gian chuẩn bị. Đặc biệt, trong những năm dự báo sẽ xảy ra diễn biến bất thường về nguồn nước, phải có những đánh giá đầy đủ, kịp thời để có biện pháp điều chỉnh, kể cả trong nhiệm vụ cấp nước, xả nước của các hồ chứa. Có như vậy mới giảm thiểu và hạn chế tối đa những thiệt hại lẽ ra có thể phòng tránh được do hạn hán hay lũ lụt gây ra, bảo đảm tài sản, tính mạng của người dân.

 

Trung Thành