Điệu múa độc đáo của người Tày, Nùng xứ Lạng

Thảo Nguyên 10/07/2023 14:44

Là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian của dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn, múa sư tử gồm nhiều thành tố như âm nhạc, múa, võ thuật… chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa trong đời sống của đồng bào vùng cao xứ Lạng.

Di sản mang bản sắc Tày, Nùng

Múa sư tử ở Lạng Sơn có nhiều tên gọi khác nhau phù hợp với ngôn ngữ, giọng điệu của từng vùng như: Kỳ Lằn, Phụ, Loòng Phụ, Phụ mèo… Tên gọi chung còn được sử dụng tương đối phổ biến hiện nay là múa sư tử mèo. Đây là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của người Tày, Nùng (hai dân tộc chiếm trên 80% dân số Lạng Sơn) ở các huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Lãng, Văn Quan...

Múa sư tử mèo mang bản sắc của người Tày, Nùng xứ Lạng - Ảnh: dangcongsan.vn
Múa sư tử mèo mang bản sắc của người Tày, Nùng xứ Lạng. Nguồn: dangcongsan.vn

Múa sư tử thường được biểu diễn vào dịp Tết Nguyên đán và một số dịp đặc biệt như ngày hội xuống đồng, Trung thu, lễ khởi công, vào nhà mới... Múa sư tử mang nhiều ý nghĩa, không chỉ thể hiện tinh thần thượng võ, mà còn là biểu tượng của may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống.

Theo quan niệm của đồng bào Tày, Nùng, sư tử mèo là linh vật mang cả hai đặc điểm vừa mạnh mẽ như chúa sơn lâm vừa hiền lành và được thuần hóa như mèo. Đầu sư tử hình tròn, bán kính khoảng 50cm, được làm bằng đất sét nặn rồi nung qua lửa. Sau đó, được sơn, trang trí sặc sỡ bằng vải với các gam màu chủ đạo là xanh, đỏ, đen, vàng, trắng để thêm nổi bật và tạo sự uyển chuyển khi múa.

Múa sư tử mèo là loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa nhiều thành tố: âm nhạc, mỹ thuật, múa… trong đó múa là chủ đạo, nhưng không tách rời nhạc và trò diễn. Đi đôi với múa là các bài quyền, với binh khí, đạo cụ như: chiêng, chũm chọe, đinh ba, gậy... Động tác múa võ vừa nhanh, vừa uyển chuyển kết hợp với tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã khiến người xem vô cùng náo nức, khí thế. Tùy vào không gian, địa điểm, mục đích, yêu cầu múa sư tử có nhiều bài múa cho phù hợp như: múa chào thần thánh, bái tổ, cầu may, múa tại hội xuống đồng, nhào lộn qua vòng lửa…

Theo Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Páo, múa sư tử mèo có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội, thể hiện một cách sinh động về nhân sinh quan, thế giới quan, tư tưởng, tình cảm và khát vọng của người Tày, Nùng. Những giá trị này đã tạo nên bản sắc văn hóa được cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

GS.TS. Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định: người dân Tày, Nùng ở Lạng Sơn đã sáng tạo nên nhiều di sản văn hóa mang bản sắc độc đáo, riêng biệt, trong đó có múa sư tử mèo. Đối chiếu, so sánh có thể thấy điệu múa này không giống với múa sư tử của người Tày, Nùng ở những vùng khác, từ hệ thống vũ đạo, hình thức thực hành tới nội dung chứa đựng nhiều tầng lớp ý nghĩa nhân sinh, giáo dục…

Với những đặc trưng và giá trị đó, múa sư tử của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.

Bảo tồn, lan tỏa điệu múa

Từ năm 2016 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành sưu tầm, kiểm kê trên 100 tư liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến các di sản văn hóa nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nói chung, múa sư tử dân tộc Tày, Nùng nói riêng. Nhờ đó, một số bài múa cổ truyền có nguy cơ mai một được nghiên cứu, tìm hướng khôi phục, nhân rộng. Bên cạnh đó, các lớp truyền dạy múa sư tử được mở, thu hút hàng trăm học viên tham gia, từ đó phổ biến, trao truyền điệu múa trong cộng đồng.

Múa sư tử mèo mang bản sắc của người Tày, Nùng xứ Lạng - Ảnh: bienphong.com.vn
Nguồn: dangcongsan.vn

Cùng với sự khéo léo của người múa, để bảo tồn di sản này cũng cần chú ý tới việc làm mặt sư tử mèo và những đạo cụ. Là một trong ít người gắn bó với nghề làm đầu sư tử, nghệ nhân Hoàng Thanh Huy, thôn Bản Kìa, xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn, cho biết, để làm ra đạo cụ hay đầu sư tử mèo, từ một khuôn có sẵn, người làm cần khéo léo bôi hồ vào 2 - 3 lớp giấy, sau đó ép chặt vào khuôn. Bột được tạo ra từ sắn nên rất bền và bền hơn các loại keo khác… Mỗi năm nghệ nhân làm 8 - 12 sản phẩm để phục vụ biểu diễn cho địa phương, góp phần bảo tồn được những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của dân tộc...

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn, hiện nay tỉnh có hơn 700 nghệ nhân có thể thực hành các bài múa, trò diễn, khoảng 130 nghệ nhân có khả năng truyền dạy, 60 nghệ nhân có khả năng chế tác đầu sư tử và các đạo cụ; gần 80 đội múa sư tử mèo với khoảng 900 thành viên (mỗi đội có từ 8 - 16 người). Tỉnh đã thí điểm thành lập, duy trì hoạt động đội múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tại các điểm du lịch, đồng thời khuyến khích mời các nghệ nhân thiết kế và sản xuất các sản phẩm lưu niệm từ múa sư tử mèo, qua đó tăng sức hấp dẫn cho điểm đến. Điệu múa cũng được đưa vào trình diễn, giới thiệu quảng bá trong các sự kiện văn hóa - du lịch trong và ngoài tỉnh.

Sau khi múa sư tử trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tỉnh đã phê duyệt và triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Múa sư tử dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2030 với các nội dung phục dựng, bảo tồn một số bài múa, trò diễn; truyền dạy gắn với xây dựng, hình thành và khôi phục đội múa sư tử dân tộc Tày, Nùng… Những hoạt động trên nhằm góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản của đồng bào dân tộc thiểu số, đưa loại hình này trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch hấp dẫn riêng có của xứ Lạng, góp phần làm phong phú thêm hành trình tham quan, khám phá, trải nghiệm của du khách.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Điệu múa độc đáo của người Tày, Nùng xứ Lạng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO