Điều kiện kinh doanh có xu hướng mở rộng và khắt khe hơn
Tại hội thảo “Tháo bỏ rào cản điều kiện kinh doanh: Lựa chọn cải cách cho phát triển doanh nghiệp” ngày 6.7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, một số bộ, ngành ban hành và thực thi các quy định về điều kiện kinh doanh với mức độ khắt khe và khó khăn hơn. Tình trạng này nếu không sớm được khắc phục có thể làm xói mòn các kết quả cải cách giai đoạn trước.
Bào mòn sức khỏe và niềm tin của doanh nghiệp
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, giai đoạn 2016 - 2019, các bộ, ngành đã cắt bỏ, đơn giản hóa khoảng 50% điều kiện kinh doanh, đây là con số hết sức tích cực.

Tuy nhiên, trong 2 năm qua, rào cản về điều kiện kinh doanh đang có xu hướng mở rộng. Một số bộ, ngành ban hành và thực thi các quy định về điều kiện kinh doanh với mức độ khắt khe và khó khăn hơn. Đáng chú ý là số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (theo Danh mục của Luật Đầu tư) giảm, nhưng nội hàm của ngành nghề mở rộng hơn, bao trùm hơn. Đi cùng với đó là hệ thống các quy định về điều kiện kinh doanh và vô vàn thủ tục hành chính kèm theo. Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp chưa thực sự được bảo đảm.
Khái quát kết quả rà soát sơ bộ về điều kiện kinh doanh trong 15 lĩnh vực, TS. Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, vẫn còn nhiều điều kiện chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định. Một số khó khác được nhận diện như quy định quá nhiều chứng chỉ, hạn chế phân cấp trong cấp phép, điều chỉnh các loại giấy phép con nhiều lần, ngay cả khi không có thay đổi về nội dung làm ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động đã được cấp phép. Cùng với đó, có không ít điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý.
“Điều này đã tác động trực tiếp tới tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Sức khỏe doanh nghiệp phần nào bị bào mòn, niềm tin doanh nghiệp bị giảm sút do nhiều yếu tố, trong đó có môi trường kinh doanh”, bà Thảo nói. Trong đó, bất cập nổi cộm là quy định về phòng cháy, chữa cháy, giấy phép môi trường, quy định về chứng chỉ năng lực xây dựng, kinh doanh vận tải. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đang bức xúc về thuế, văn bản kiến nghị về thuế gửi về CIEM rất nhiều, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM cho biết.
Chính phủ phải kiểm soát việc ban hành điều kiện kinh doanh mới
6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, rút lui khỏi thị trường cao hơn trung bình các năm. Vốn đăng ký của doanh nghiệp sụt giảm cũng kéo theo cơ hội việc làm của người lao động giảm theo. Với bức tranh này, việc cải thiện môi trường kinh doanh cần thúc đẩy hơn nữa, bà Thảo nhấn mạnh.
Các đại biểu dự hội thảo nhất trí rằng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đang là yêu cầu cấp bách, cần được xem như một gói hỗ trợ thiết thực nhất cho doanh nghiệp. Đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp bày tỏ kỳ vọng Chính phủ khôi phục chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh; chỉ đạo liên tục, nhất quán việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có việc sửa đổi các quy định pháp lý về điều kiện kinh doanh; giải quyết kịp thời, triệt để các bất cập, khó khăn của doanh nghiệp; đồng thời tăng cường giám sát, đánh giá độc lập về kết quả thay đổi, cải cách.
TS. Lê Đăng Doanh đề xuất mở một cuộc điều tra từ doanh nghiệp để phát hiện thêm và xác định các giấy phép con và các điều kiện kinh doanh. “Chúng ta đang sống trong thời đại kinh tế số, doanh nghiệp số, chính phủ điện tử nên có rất nhiều lĩnh vực có thể dùng kinh tế số để giám sát được, tiến tới xác định rõ các điều kiện kinh doanh và giảm bớt các thủ tục cho doanh nghiệp”, ông nói.
Để cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, CIEM kiến nghị các bộ, ngành tiếp tục đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 02 và Nghị quyết số 01. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ kiểm soát việc đề nghị bổ sung ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh mới; không quy định thêm các điều kiện tạo rào cản cho đầu tư, kinh doanh khi ban hành văn bản pháp luật mới hay sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật hiện hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tham vấn, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật.