Điều kiện để Ban Văn hóa - Xã hội tỉnh Yên Bái hoạt động hiệu quả
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Yên Bái Khóa XVI có 5 thành viên, chỉ có Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách. Do ý thức trách nhiệm cao, tâm huyết với HĐND, các thành viên Ban đã góp phần không nhỏ nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động từ đầu nhiệm kỳ đến nay cho thấy, có nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi phải có những giải pháp thiết thực, đồng bộ để các ban HĐND thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ theo luật định.
Trước hết, có thể thấy phạm vi hoạt động của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh rất rộng, vượt quá xa so với khả năng thực tế của Ban. Hiện nay, ở địa phương có 8 cơ sở ngành thuộc khối văn hóa - xã hội, quá trình hoạt động, Ban phải thường xuyên nghiên cứu các chính sách, chế độ để giúp HĐND quyết định những vấn đề liên quan. Đồng thời, Ban phải thực hiện giám sát đối với nhiều lĩnh vực: Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bảo hiểm xã hội, Văn hóa, Thông tin và Du lịch; Phát thanh - Truyền hình, Lao động, Thương binh và Xã hội... Đó là những lĩnh vực rất nhạy cảm, có nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tế, đòi hỏi phải quan tâm, xem xét thường xuyên để có những động thái kịp thời. Trong khi đó, Trưởng ban và các thành viên Ban Văn hóa - Xã hội đều kiêm nhiệm, thời gian, công sức dành cho hoạt động của Ban rất hạn chế nên chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao. Vấn đề đặt ra hiện nay là việc cơ cấu thành viên và tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách của Ban phải sớm được nghiên cứu để quy định phù hợp. Nhất thiết phải bố trí đủ lực lượng và điều kiện hoạt động để Ban thực hiện được tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định.
Thứ hai, mỗi kỳ họp HĐND, theo quy định ngoài việc thẩm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ văn hóa - xã hội; báo cáo hoạt động giữa 2 kỳ họp và kết quả giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội còn phải thẩm tra các đề án, tờ trình do UBND trình theo sự phân công của Thường trực HĐND. HĐND tỉnh Yên Bái từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã tổ chức 19 kỳ họp, ban hành trên 200 nghị quyết, trong đó có hơn 60 nghị quyết chuyên đề. Riêng lĩnh vực văn hóa - xã hội có tới 21 nghị quyết chuyên đề. Trong đó có nhiều nghị quyết ban hành để giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn, đòi hỏi có cơ chế, chính sách của địa phương, như: giải quyết giáo viên dôi dư, xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú, đào tạo nguồn nhân lực y tế, xây dựng chuẩn quốc gia y tế xã, phòng chống HIV/AIDS, xóa đói giảm nghèo, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở... Yêu cầu đặt ra là các báo cáo thẩm tra phải có tính phản biện, tính thực tiễn và các kiến nghị phải khả thi. Cụ thể là từng dự thảo nghị quyết được đưa ra xem xét phải thống nhất với hệ thống pháp luật của Nhà nước, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và có khả năng đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Khối lượng công việc chuẩn bị cho một kỳ họp rất lớn. Nhưng trong thực tế, mọi công việc phần lớn do Phó trưởng ban chuyên trách và chuyên viên thực hiện. Đây cũng là vấn đề đặt ra để trao đổi và tìm giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra, từ đó nâng cao chất lượng nghị quyết HĐND.
Thứ ba, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngoài việc tổ chức giám sát chung về tình hình thực hiện nhiệm vụ văn hóa - xã hội 6 tháng, một năm, Ban Văn Hóa - Xã hội đã tổ chức trên 20 cuộc giám sát theo chuyên đề (bình quân mỗi năm tổ chức từ 2 đến 3 cuộc). Nhiều cuộc giám sát đạt kết quả cao, như: giám sát việc thực hiện công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở; phát triển giáo dục mầm non; xây dựng đội ngũ giáo viên; thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, chính sách bảo hiểm xã hội; công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa - xã hội; Chương trình kiên cố hóa trường học, xóa nhà dột nát; công tác dạy nghề, xuất khẩu lao động; xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở... Để các cuộc giám sát thực sự hiệu quả, Ban đã thực hiện khá tốt việc lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch, đề cương, chọn đối tượng giám sát... Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là sự tham gia không đầy đủ, chưa thực sự trách nhiệm của các thành viên Ban trong quá trình giám sát. Yên Bái là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn nên việc tổ chức giám sát của HĐND gặp rất nhiều trở ngại. Toàn tỉnh hiện có 9 huyện, thị, nếu mỗi chuyên đề tổ chức giám sát từ 4 đến 5 huyện, thị và mỗi huyện thị tổ chức giám sát từ 2 đến 4 xã, thị trấn hoặc đơn vị, cộng với thời gian làm việc tại các sở, ngành liên quan, tổng kết thông qua báo cáo kết quả giám sát... tối thiểu phải mất từ 10 - 12 ngày mới hoàn thành. Trong khi đó, 80% thành viên của Ban là lãnh đạo của các sở, ngành chuyên môn và hoạt động kiêm nhiệm, hầu hết đều bận công việc lãnh đạo ở các sở ngành, ít có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về các nội dung giám sát, không nắm bắt đầy đủ thông tin... do đó, không những khó tham gia đầy đủ các cuộc giám sát, mà có đại biểu tham gia quá trình giám sát cũng không chỉ rõ đúng, sai và nêu kiến nghị hoàn toàn hợp lý, chính xác. Đặc biệt, nhiệm kỳ này kéo dài thêm 2 năm, dẫn đến số lượng thành viên của Ban giảm nhiều (40%), việc tổ chức giám sát còn gặp nhiều khó khăn hơn, thậm chí có cuộc giám sát chỉ có 1 thành viên của Ban, còn lại là đại biểu mời. Đó là những nguyên nhân chính làm cho hiệu quả hoạt động giám sát của Ban còn hạn chế và mang tính hình thức.
Những hoạt động khác như tham dự hội nghị, hội thảo của các sở, ngành thuộc khối và của địa phương; phối hợp với Thường trực, các ban HĐND tỉnh và các Ủy ban của Quốc hội... về các vấn đề liên quan, phần lớn đều do đại biểu chuyên trách của Ban đảm nhận. Mặc dù ý thức trách nhiệm cao, tâm huyết với hoạt động của HĐND nhưng khối lượng công việc quá tải đã khiến đại biểu chuyên trách chịu áp lực công việc quá lớn, hiệu quả chưa hoàn toàn như mong muốn.
Thực tiễn hoạt động cho thấy, phải nâng cao chất lượng hoạt động của các ban để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, để các ban thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định, cần tiếp tục sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND theo hướng: tăng đại biểu hoạt động chuyên trách và quy định rõ cả Trưởng và Phó các ban hoạt động chuyên trách; có thể bố trí một số thành viên ban HĐND cấp tỉnh cũng hoạt động chuyên trách. Riêng Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội nên bố trí số lượng thành viên và số lượng đại biểu chuyên trách cao hơn so với các ban khác. Lý do, các lĩnh vực do 2 ban phụ trách rất lớn. Mặt khác, quá trình quy hoạch, bố trí cán bộ giữ chức danh chủ chốt của các ban HĐND phải lựa chọn những đại biểu có năng lực, trình độ, có tâm huyết và kinh nghiệm hoạt động trong cơ quan dân cử; đồng thời phải quan tâm đến chế độ, chính sách đối với đại biểu chuyên trách; quy định cụ thể thời gian hoạt động của các thành viên kiêm nhiệm và làm rõ mối quan hệ và trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể trong quá trình hoạt động.