Điều kiện cần và đủ để gỡ khó cho doanh nghiệp
Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, các chỉ số quan trọng của kinh tế trong 5 tháng đầu năm như tăng trưởng công nghiệp, sản phẩm tồn kho, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản... đã cho thấy doanh nghiệp còn khó khăn. Một câu hỏi được đặt ra là những giải pháp đưa ra đã đủ để gỡ khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thị trường chưa?
Trong thời gian qua, nhiều giải pháp được coi là cần và đủ để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn đã được triển khai. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ thị trường. Bộ Tài chính cũng công bố việc giãn, giảm một số loại thuế. Và Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm trần lãi suất huy động về mức 9%, tạo cho hội cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ khoảng 12%. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội vật liệu xây dựng Việt Nam Trần Văn Huynh khẳng định, doanh nghiệp trong ngành chưa tiếp cận được với mức lãi suất này mà phải vay cao hơn mức 15%. Trong khi đó, ngành vật liệu xây dựng đang tồn kho hơn 3 triệu tấn xi măng, hơn 3.000 tỷ đồng các loại gốm sứ, kính xây dựng và vật liệu không nung làm ra không bán được... khiến doanh nghiệp thua lỗ lớn. Trước thực tế này, Hiệp hội vật liệu xây dựng đề nghị ngân hàng nới rộng các điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn. Đồng thời khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản nợ doanh nghiệp vay vốn đầu tư chưa trả được nhằm tránh tình trạng nợ xấu, tạo điều kiện cho sản xuất. Để hỗ trợ giảm lượng hàng tồn kho, phát triển thị trường, ông Trần Văn Huynh đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng xuống 5% trong năm 2012 để giúp doanh nghiệp giảm giá bán, giải tán hàng tồn kho.
|
Giải quyết thị trường đầu ra, giảm tồn kho hiện nay cũng là giải pháp cấp thiết hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ. Theo Tổng thư ký Hiệp hội gỗ Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền, trong 5 tháng đầu năm, dù kim ngạch xuất khẩu của ngành tăng 22% so với cùng kỳ, song lượng hàng tồn kho cũng lớn. Nguyên nhân do thị trường EU, Mỹ sụt giảm đáng kể, đặc biệt đối với hàng nguyên liệu dạng tạm nhập tái xuất gần như đóng băng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn thiếu sự hỗ trợ thiết thực từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể là hiện doanh nghiệp trong ngành chưa nhận được tín hiệu giảm lãi suất cho vay, chi phí đầu vào cho sản xuất chưa giảm nhiều. Trong khi đó, lượng hàng tồn kho chưa có giải pháp khắc phục chủ động mà phải phụ thuộc vào thị trường nước ngoài hiện tạm thời đóng cửa.
Nếu như nhìn vào lượng xuất khẩu thủy sản 5 tháng qua đạt hơn 2,3 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng trưởng xét về mặt giá trị là khả quan. Tuy nhiên, trong số hơn 800 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản trên cả nước thì hiện có khoảng 40% doanh nghiệp ngưng hoạt động, chuyển hướng kinh doanh do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, không đủ sức cạnh tranh. Phó chủ tịch Hiệp hội thủy sản Bình Thuận Trần Văn Hiến cho biết, để tạo được uy tín, thương hiệu thì ngư dân phải vươn khơi xa hơn, doanh nghiệp phải đầu tư lớn hơn để sản xuất tại nguồn mới cho chất lượng. Do đó, rất cần sự hỗ trợ mang tính đặc thù để giúp phát triển kinh tế biển bền vững.
Trước thực trạng doanh nghiệp thiếu vốn, ngân hàng thừa tiền nhưng cả hai lại không thể gặp nhau, phía ngân hàng lý giải cần phải có độ trễ chứ không thể tiếp cận ngay được vì nguồn vốn huy động trước đó khá cao. Cùng với đó, ngân hàng cũng phải xem khả năng doanh nghiệp chứ không thể mạo hiểm rủi ro. Còn doanh nghiệp lại cho rằng, không ít ngân hàng yếu đưa ra mức lãi suất hấp dẫn nhưng khó có khả năng đáp ứng, nguồn vốn doanh nghiệp có thể vay được lại rất khiêm tốn. Từ thực tế gần 40% doanh nghiệp trên tổng số 9.200 doanh nghiệp của TP Đà Nẵng đang bên bờ vực phá sản do sản xuất ra không bán được, lượng tồn kho tăng cao, công nhân mất việc, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ TP Lê Văn Hiểu cho rằng, các ngân hàng cần cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Cụ thể là ngân hàng quyết định cho vay không chỉ dựa vào thông tin trên giấy tờ kê khai tài chính mà cần nhìn vào tiềm lực như công nghệ sản xuất như thế nào? nhân lực có bảo đảm không? phương hướng kinh doanh khả thi hay không?...
Có thể thấy, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp lúc này vẫn là vốn. Những gói giải pháp tháo gỡ vốn vay với lãi suất được đưa ra vừa qua là rất cần, nhưng chưa đủ. Làm sao để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được với nguồn vốn mới là điều cốt lõi. Theo các chuyên gia, lúc này, việc phân loại, đánh giá sức khỏe, tiềm năng của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Có như vậy mới có đủ cơ sở để sàng lọc và giải cứu doanh nghiệp một cách phù hợp. Cùng với đó, Nhà nước cũng cần nghiên cứu xây dựng mô hình hỗ trợ cho việc tham gia kinh tế thị trường của doanh nghiệp như quỹ hỗ trợ rủi ro hay những công ty mua bán doanh nghiệp thuộc mọi thành phần. Hiện nay, việc phân loại doanh nghiệp còn thiếu nên khi doanh nghiệp gặp khó khăn, hàng loạt nhà xưởng, công nghệ phơi sương gió rất lãng phí, xót xa. Không thể phủ nhận, vẫn còn không ít doanh nghiệp yếu kém do những nguyên nhân chủ quan. Nhưng lượng doanh nghiệp bị đình trệ, khó khăn trong hoạt động sản xuất hiện nay phần nhiều là từ những yếu tố khách quan, thuộc về thị trường và trách nhiệm quản lý.