Điêu khắc trong không gian kiến trúc
Điêu khắc gắn bó mật thiết với kiến trúc, vì đều là hình khối, rất dễ hòa quyện và tô điểm cho nhau. Trong đời sống hiện đại, những tác phẩm điêu khắc trong không gian đô thị, công cộng hoặc nhà ở phần nào được chú ý nhằm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật ngày một lớn của con người.
Mối liên hệ hữu cơ giữa điêu khắc và kiến trúc có truyền thống lâu đời. Hai hình thức nghệ thuật này có đối tượng nghiên cứu chung là hình khối. Khối trong kiến trúc gắn với công năng sử dụng rõ ràng là phục vụ con người, đặc biệt kiến trúc đương đại có tính điêu khắc rất cao. Hiện nay, nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng nhìn hình thức bên ngoài như một tác phẩm điêu khắc nhưng bên trong lại là khối công trình sống của con người. Trao đổi bên lề triển lãm Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn lần thứ 4, nghệ sĩ điêu khắc Vũ Quang Sáng (Hà Nội) cho rằng: “Tính điêu khắc trong kiến trúc là vũ khí lợi hại để kiểm soát được không gian và từ đó có thể đưa ra quy hoạch cho một khu đô thị hay một thành phố ấn tượng và có sức đột phá”.
Xu thế hiện đại của kiến trúc sử dụng vật liệu chính là kính và thép, giúp kết nối thể hiện, giải quyết nhiều vấn đề về khối không gian, công năng sử dụng của đô thị. Các nghệ sĩ điêu khắc ngày nay tư duy linh hoạt để theo kịp xu thế thời đại và cũng khai thác triệt để những vật liệu kiến trúc này để sáng tác. Nếu trước đây vật liệu điêu khắc chủ yếu là tượng thạch cao, sau đó có gỗ, đá, thì đến nay, các nghệ sĩ khai thác mọi khả năng hoặc tính biểu cảm của chất liệu và có thể sử dụng hầu như bất kỳ vật liệu nào, như kim loại với nước, gỗ, giấy, vải… Không chỉ về mặt chất liệu, hình thức trưng bày cũng thay đổi nhiều, không đơn thuần chỉ là nghệ thuật điêu khắc, có những tác phẩm mang ngôn ngữ của nghệ thuật sắp đặt...
![]() Tác phẩm Nụ của nhà điêu khắc Trần Văn An tại khu du lịch Flamingo Đại Lải, Vĩnh Phúc |
Tuy vậy, theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông (Viện Mỹ thuật, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam), mối quan hệ hữu cơ giữa điêu khắc và kiến trúc tại Việt Nam đang chiều hướng “xuống cấp”, mang đến hệ lụy về thẩm mỹ, kể cả giáo dục và tuyên truyền. Điều này xuất phát từ hành lang quản lý của Nhà nước đối với việc khuyến khích xây dựng tác phẩm nghệ thuật tại không gian kiến trúc, công cộng. Thực tế, ở Việt Nam thiếu sự tương tác giữa công trình kiến trúc và tác phẩm nghệ thuật nói chung, điêu khắc nói riêng. Thêm vào đó, ứng dụng điêu khắc và ý tưởng nghệ thuật mang tính chất kết hợp giữa điêu khắc và kiến trúc trong quy hoạch không gian đô thị còn rất kém.
Về việc điêu khắc vắng bóng tại không gian công cộng, nghệ sĩ điêu khắc Đào Châu Hải (Hà Nội) cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân, như trong chủ trương quy hoạch đô thị, xây dựng, tổ chức trung tâm văn hóa cộng đồng của chúng ta không có định hướng gì cho công việc này. “Hiện nay các công trình đô thị của Việt Nam chỉ nghĩ đến thiết kế nhà, công năng sử dụng mà quên đi tính nghệ thuật, tạo cái đẹp cho đô thị”. Nhìn ra thế giới, một số nước quy định khi xây dựng một công trình kiến trúc phải trích một phần kinh phí cho tác phẩm nghệ thuật. Ví dụ ở một số nước châu Âu quy định dành 2 - 4% tổng giá trị công trình cho việc đầu tư tác phẩm nghệ thuật không gian công cộng. Điều này không chỉ hướng tới mục tiêu thẩm mỹ mà còn đem đến giá trị văn hóa dành cho chính cộng đồng, cư dân tại đó thụ hưởng.
Để phát triển song hành một đời sống văn hóa phong phú, điêu khắc trong không gian kiến trúc không nhất thiết phải mang nặng tính tuyên truyền, quảng cáo hay những điều vĩ đại, mà đôi khi chỉ cần đáp ứng nhu cầu giải trí của đời sống xã hội. Các nghệ sĩ và nhà văn hóa không đủ khả năng phục vụ nhu cầu ấy, nên làn sóng hưởng thụ văn hóa của giới trẻ bị lệch với mong mỏi, định hướng của xã hội.
Ông Phạm Thái Bình, giảng viên Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cho biết: Năm 2016, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã mở mã ngành điêu khắc, tuyển sinh lần đầu, với mong muốn đào tạo những nhà điêu khắc tương lai có thể đồng hành và cùng chí hướng với các kiến trúc sư, để trang trí, định tính cho không gian công cộng. Khi các nhà kiến trúc trẻ hiểu, yêu thích điêu khắc, sẽ tạo cơ hội phát triển điêu khắc công cộng mạnh hơn nữa.