Điều hành thiếu linh hoạt khiến thị trường xăng dầu méo mó

- Thứ Năm, 28/03/2013, 08:54 - Chia sẻ
Giá xăng dầu thế giới liên tục giảm sâu đã hơn một tháng qua. Nhưng thay vì giảm giá bán lẻ trong nước, các doanh nghiệp đầu mối lại tăng chiết khấu hoa hồng cho các đại lý để tranh giành thị phần. Cơ quan quản lý Nhà nước vẫn có câu trả lời cũ là đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá thế giới để làm sao sử dụng các công cụ giá, thuế, quỹ bình ổn phù hợp theo tinh thần của Nghị định 84 của Chính phủ.

Khách quan nhìn nhận thì việc chưa giảm giá xăng dầu trong nước có nguyên nhân chính là do cơ quan quản lý đã sử dụng các công cụ như: tạm thời chưa tính lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng, dầu cho doanh nghiệp; giữ nguyên mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng, dầu và tăng xả quỹ bình ổn giá để kìm giá, bình ổn giá trong nước. Hay như lý giải của liên Bộ Tài chính - Công thương, mức giảm của giá xăng dầu thế giới trong 30 ngày qua vẫn chưa đủ điều kiện để giảm giá xăng dầu trong nước. Mặt khác, trong thời gian qua, để giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước, Bộ Tài chính đã tăng mức sử dụng Quỹ bình ổn giá với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Cụ thể: với dầu diezel là 800 đồng/lít; dầu hỏa là 1.150 đồng/lít; mazut là 650 đồng/lít và mặt hàng xăng lên tới 2.000 đồng/lít. Nhưng giá xăng thế giới đã liên tục giảm hơn một tháng. Vậy thì cơ sở 30 ngày lưu kho có còn là lý do chính đáng để đến thời điểm này, giá xăng dầu trong nước vẫn chưa giảm?

Theo nhiều chuyên gia, việc cơ quan quản lý vẫn cho phép các doanh nghiệp được sử dụng quỹ bình ổn giá dù giá trên thị trường thế giới đã giảm sâu từ hơn một tháng nay là không phù hợp. Bởi quỹ bình ổn sinh ra để bình ổn chỉ khi thị trường có những biến động bất thường. Việc áp dụng xả quỹ bình ổn theo kiểu ứng trước bù đắp sau thực chất sẽ không gây thiệt hại cho doanh nghiệp, mà chỉ có người tiêu dùng là thiệt đơn, thiệt kép. Lượng kinh phí doanh nghiệp ứng trước để giữ giá bán sẽ được người tiêu dùng bù trong mỗi lần mua xăng dầu.  

Một lưu ý khác là ở thời điểm trước ngày 26.2.2013 - khi có quyết định giữ nguyên giá bán lẻ xăng dầu thông qua việc trích mức quỹ bình ổn, thì Quỹ bình ổn của nhiều đầu mối đang âm. Tuy nhiên, cơ quan quản lý vẫn trích sử dụng quỹ để giữ giá bán lẻ xăng dầu. Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương Võ Văn Quyền thừa nhận, trước ngày 26.2, Quỹ bình ổn còn lại rất mỏng. Nhưng chúng ta đã có tiền lệ là kể cả có những lúc như năm 2011 Quỹ bình ổn âm nhưng sử dụng biện pháp ứng trước và bù đắp sau. Việc bù đắp sẽ được thực hiện khi giá thế giới thuận lợi, kinh tế vĩ mô thuận lợi, khả năng kiểm soát lạm phát cho phép. Nói cách khác khi có điều kiện thuận lợi, thay vì sử dụng sẽ phải trích lại Quỹ bình ổn. Ông Võ Văn Quyền cũng cho rằng, cách điều hành này hoàn toàn phù hợp với Nghị định 84. Nhưng các chuyên gia khẳng định, việc quá lạm dụng quỹ bình ổn, thậm chí xả quỹ bình ổn với số tiền lớn như vậy là không phù hợp. Thậm chí có ý kiến cho rằng, quỹ bình ổn giá xăng dầu là một trong những yếu tố góp phần khiến thị trường xăng dầu không minh bạch. Và không phải quá lo khi quỹ bình ổn ở một số đầu mối bị âm vì nguồn tiền từ trích quỹ bình ổn giá với mức 300 đồng/lít vẫn đang được áp dụng theo kiểu vừa trích/vừa xả đang bù dần lại cho các đầu mối. Còn số tiền doanh nghiệp ứng ra để xả quỹ thì cuối cùng người tiêu dùng cũng vẫn phải trả.

Còn một điểm nữa là thay vì có thể giảm giá cho doanh nghiệp, các đầu mối hiện đang tăng mức hoa hồng cho các đại lý. Có doanh nghiệp trích tới 700 đồng/1 lít xăng và đối với dầu là 1000 đồng/1lít. Điều này liệu đã phù hợp với quy định của Nghị định 84 về quản lý và kinh doanh xăng dầu? Thực tế, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, Nhà nước kìm giá, nhiều đại lý chỉ được trích 150 - 200 đồng/lít xăng dầu, trong khi chi phí lưu thông tối thiểu của 1 lít xăng, dầu ra thị trường phải mất 300-400 đồng khiến nhiều đại lý, cửa hàng bị lỗ. Việc ngừng bán/đóng cửa thời gian qua phần nhiều cũng do yếu tố này. Vì vậy, khi giá thế giới giảm, nhiều doanh nghiệp đầu mối đã tìm cách chi hoa hồng tăng lên để bù lại cho các đại lý của mình.

Và cũng còn một lý do nữa là các đầu mối nhỏ, khi giá tăng đã không nhập về để bán, nhưng khi giá thế giới giảm đã tranh thủ tăng lượng nhập khẩu về. Các đầu mối này tranh thủ tăng trích hoa hồng để giành giật thị phần. Với cách điều hành thiếu linh hoạt, không bám sát diễn biến giá thế giới hiện nay đã khiến không chỉ người tiêu dùng bị thiệt, mà còn làm méo mó thị trường xăng dầu.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Liên Bộ Tài chính - Công thương phải hoàn thiện sửa đổi Nghị định 84 trước ngày 30.6.2013 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Như vậy là chỉ còn 3 tháng thực hiện yêu cầu này, nhưng với cách thức quản lý, điều hành giá xăng dầu như hiện nay, rất khó để có thể nhìn thấy Nghị định 84 đang bất cập ở đâu và phải sửa đổi những gì.

Nguyên Long