Điều hành thảo luận - yếu tố quan trọng tạo nên thành công của kỳ họp
Kỳ họp là một hoạt động chủ yếu của HĐND. Sự thành công của một kỳ họp HĐND phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó việc hoạt động thảo luận và việc điều hành thảo luận là một yếu tố hết sức quan trọng. Đây là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm. Từ thực tiễn của quá trình hoạt động, xin được nêu ra một số vấn đề liên quan đến hoạt động này để cùng trao đổi.
Trước hết về công tác chuẩn bị và cung cấp thông tin: Đây là một bước rất quan trọng, bởi nếu không có thông tin thì đại biểu không thể tham gia vào quá trình thảo luận và chủ toạ cũng không có cơ sở để điều hành. Điều 48 Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định "Tài liệu cần thiết của kỳ họp HĐND phải được gửi đến đại biểu HĐND chậm nhất là 5 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp". Đây là nguồn thông tin chủ yếu và chính thống đương nhiên có đối với mỗi đại biểu. Điều quan trọng thuộc về các đại biểu đó là phương pháp và hiệu quả tiếp cận thông tin từ các tài liệu nói trên. Nguồn thông tin nữa rất cần thiết cho khả năng tham gia thảo luận của các đại biểu, đó là nguồn thông tin từ hoạt động thực tiễn của đại biểu thông qua quá trình giám sát và quá trình tiếp xúc với cử tri, với nhân dân. Phải có thực tiễn, từ thực tiễn người đại biểu mới nói lên tiếng nói của nhân dân tại diễn đàn thảo luận của các kỳ họp.
Đối với Thường trực HĐND, muốn điều hành tốt quá trình thảo luận, phải tập hợp và xử lý các thông tin từ hoạt động của các đại biểu, các tổ đại biểu và các ban của HĐND. Việc tập hợp thông tin phải tuyến tính theo ngành và lĩnh vực một cách khoa học. Thông tin phải được phân loại, xử lí, lọc bỏ những vấn đề không quan trọng hoặc thiếu cơ sở. Tập trung xây dựng nguồn thông tin liên quan đến những vấn đề quan trọng, cấp thiết ở địa phương; những thông tin nhạy cảm được đông đảo nhân dân quan tâm, nhất là những thông tin liên quan đến các mục tiêu và giải pháp lớn trong quá trình phát triển KT - XH mà HĐND phải bàn thảo và quyết định.
Thứ hai là công tác điều hành thảo luận: Quá trình điều hành của chủ toạ kỳ họp không có một mẫu quy trình cụ thể nào. Những động thái và thao tác điều hành của chủ toạ kỳ họp phụ thuộc vào nội dung thảo luận và các tình huống xảy ra trong quá trình thảo luận. Tuy nhiên, cho dù nội dung của vấn đề đưa ra thảo luận và các tình huống xảy ra trong quá trình thảo luận như thế nào thì chủ toạ điều hành thảo luận cũng phải thực hiện một số thao tác cơ bản sau đây: Một là gợi ý thảo luận: Trên cơ sở những kênh thông tin thu nhận được trước và trong quá trình diễn ra kỳ họp, chủ toạ xác định rõ nội dung cần thảo luận theo chuyên đề. Gợi ý của chủ toạ cần rõ những vấn đề cần tập trung trao đổi, những vấn đề chưa có sự thống nhất cao, những vấn đề cần xác định đúng, sai và hướng thay đổi như thế nào. Hai là lắng nghe, tiếp nhận và xử lý thông tin: Chủ toạ kỳ họp phải thực sự tôn trọng đại biểu, lắng nghe và tiếp nhận đầy đủ các thông tin từ ý kiến phát biểu của đại biểu. Việc xử lý thông tin phải kịp thời, chính xác. Trong quá trình thu nhận, xử lý thông tin, các vị chủ toạ phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau và cần phải có sự trợ giúp của thư ký kỳ họp. Ba là điều chỉnh quá trình thảo luận: Sau mỗi ý kiến hoặc một số ý kiến cần phải có sự điều chỉnh về thời gian và cách thức phát biểu, nội dung và chất lượng của các thông tin mà đại biểu phát biểu, nhất là những nội dung trùng lắp, những nội dung lệch hướng, không tập trung vào những vấn đề đã nêu ra; những nội dung thiếu cơ sở hoặc hoàn toàn không có cơ sở để xem xét; những nội dung nặng về báo cáo thành tích riêng của đơn vị mà ít tham gia vào những vấn đề chung đang được quan tâm. Bốn là thống nhất và kết luận những vấn đề đã được thảo luận: Thực hiện nguyên tắc dân chủ. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của đa số các đại biểu, chủ toạ phải xác định lại và kết luận vấn đề đúng, sai; hướng bổ sung, điều chỉnh. Khi cần thiết, chủ toạ kỳ họp phải thông qua từng vấn đề bằng các hình thức biểu quyết. Khi thấy quá trình thảo luận đã có kết quả hoặc đã đến lúc phải dừng lại thì chủ toạ xin ý kiến HĐND cho kết thúc phần thảo luận hoặc chương trình thảo luận để chuyển sang phần thảo luận khác hoặc chương trình khác của kỳ họp.
Thứ ba là ứng phó với những tình huống khác nhau: Trong thực tế quá trình điều hành thảo luận tại kỳ họp, nhiều tình huống gay cấn, bất ngờ có thể xảy ra. Đó là chuyện bình thường. Điều quan trọng là chủ toạ kỳ họp phải giữ thái độ nghiêm túc, khách quan, có bản lĩnh và luôn thể hiện được chính kiến một cách rõ ràng, chặt chẽ; phải luôn có thái độ bình tĩnh trước những ý kiến khác nhau của đại biểu để khuyến khích, động viên đại biểu phát biểu đúng và hết những suy nghĩ của mình. Chẳng hạn, trường hợp quá ít hoặc không có đại biểu đăng ký phát biểu (bởi một số lý do khác nhau), chủ toạ kỳ họp phải đặt vấn đề lại và gợi ý thêm một số nội dung cần thảo luận, đồng thời nhắc nhở trách nhiệm của mỗi đại biểu trước cử tri, động viên đại biểu tham gia thảo luận. Khi cần thiết có thể chỉ định và yêu cầu đại biểu phát biểu chính kiến của mình. Trường hợp khác, còn nhiều đại biểu đăng ký phát biểu, trong lúc vấn đề cần thảo luận cơ bản đã được thống nhất và làm rõ hoặc trong điều kiện thời gian thảo luận không thể kéo dài thêm, chủ toạ kỳ họp vẫn có thể xin ý kiến HĐND kết thúc hoặc tạm dừng thảo luận. Những ý kiến còn lại của đại biểu có thể bằng văn bản chuyển đến thư ký kỳ họp. Thư ký kỳ họp có trách nhiệm giúp chủ toạ kỳ họp tiếp nhận, nghiên cứu và xử lý các thông tin đó một cách đầy đủ để có giá trị như những ý kiến phát biểu khác tại hội trường.
Thảo luận tại kỳ họp vừa là nội dung bắt buộc trong chương trình nghị sự theo quy định của pháp luật, vừa là giải pháp quan trọng để phát huy ý thức trách nhiệm và trí tuệ của các đại biểu trước nhân dân. Những năm gần đây, chất lượng của các buổi thảo luận tại kỳ họp HĐND của các cấp đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, so với yêu cầu vẫn còn không ít những hạn chế bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân quan trọng không thể không nói đến là trách nhiệm và khả năng điều hành của chủ toạ kỳ họp. Khắc phục điều đó không phải là đơn giản. Có nhiều yêu cầu đang được đặt ra, trong đó có những yêu cầu liên quan đến chủ toạ kỳ họp, đó là: bản lĩnh, trí tuệ, sự nhạy cảm và năng lực điều hành. Biết vươn tới sự hoàn thiện bắt đầu từ những yêu cầu nói trên, chủ toạ kỳ họp sẽ từng bước thực hiện tốt vai trò điều hành tại các phiên họp thảo luận. Đó là một trong những yếu tố trực tiếp nhằm nâng cao chất lượng thảo luận của đại biểu tại hội trường, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả kỳ họp HĐND.
Trần Minh Diệu