Chiến lược phủ sóng vaccine ngừa Covid-19:

Điều gì làm nên thành công của Campuchia?

- Thứ Bảy, 11/09/2021, 07:08 - Chia sẻ
Một trong những điểm sáng nhưng hiếm được đưa tin trong chuyên mục “câu chuyện Covid-19” trên thế giới là thành công đáng kể của Campuchia trong phân phối vaccine. Điều gì đã giúp quốc gia nhỏ bé này vượt xa hầu hết các nước láng giềng Đông Nam Á, thậm chí vượt cả nhiều quốc gia giàu có trên thế giới, trong chiến lược phủ sóng vaccine của mình?

Nghịch lý Campuchia

Tính đến ngày 6.9, đã có hơn 2/3 dân số Campuchia được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong khi 53% đã được tiêm chủng đầy đủ. Đây là con số cao thứ hai ở Đông Nam Á (sau Singapore giàu có, quốc gia hiện đã tiêm phòng đầy đủ cho hơn 3/4 dân số).

	Tướng Hun Manet, Phó tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia kiêm Tư lệnh Lục quân là người đầu tiên tiêm Vaccine ngừa Covid-19 Sinopharm do Trung Quốc viện trợ Nguồn: Straits Times
Tướng Hun Manet, Phó tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia kiêm Tư lệnh Lục quân là người đầu tiên tiêm Vaccine ngừa Covid-19 Sinopharm do Trung Quốc viện trợ
Nguồn: Straits Times

Con số này cũng đặc biệt đáng kinh ngạc nếu so sánh với các nước láng giềng giàu có hơn của Campuchia, bao gồm Malaysia (49% tiêm chủng đầy đủ), Brunei (25%), Thái Lan (11%) và Việt Nam (7,5%) -  theo số liệu sẵn có của Our World In Data.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi mức độ tiêm chủng ở Đông Nam Á gần như tương quan với mức độ phát triển kinh tế. Nhưng dường như Campuchia là ngoại lệ: Quốc gia có GDP bình quân đầu người thấp thứ hai trong ASEAN lại đang là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng bình quân đầu người cao thứ hai ở khu vực.

Trên thực tế, phản ứng của nước này đối với Covid-19 không phải lúc nào cũng nhận được sự ủng hộ của dân chúng. Chẳng hạn trong các đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4 và tháng 5, chính phủ đã đưa ra các hạn chế dẫn đến tình trạng cắt nguồn cung cấp thực phẩm cho hàng chục nghìn công nhân may mặc, người bán hàng rong ở chợ và những công dân khác sống trong “vùng đỏ” Covid-19, gây ra những bất bình nhất định trong dân chúng.

Thế nhưng về chiến lược phân phối vaccine, quốc gia này đang vượt qua không chỉ các quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á mà còn vượt xa nhiều quốc gia giàu có nhất thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ. Tháng trước, Đối tác Chiến lược Mekong, một công ty tư vấn và đầu tư có trụ sở tại Phnom Penh, đã công bố một báo cáo khẳng định rằng nước này “đang trên đà hoàn thành chương trình phủ sóng tiêm chủng của mình trong vòng 8 tháng”.

Theo báo cáo đánh giá trên, với tốc độ hiện tại, cả nước Campuchia sẽ đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ là 70% vào ngày 21.9, nhanh hơn 6 tháng so với ngày 22.3.2022 theo kế hoạch dự kiến của Philippines, ngày 22.7.2022 đối với Indonesia và Thái Lan, và ngày 22.9 năm sau đối với Việt Nam. Cũng theo báo cáo này, Phnom Penh được xếp hạng là một trong những thủ đô được tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới, với khoảng 99% dân số trưởng thành đã được tiêm chủng đầy đủ. Điều này mang lại cho Campuchia cơ hội thuận lợi để chấm dứt tình trạng bế tắc và có thể sớm kích hoạt lại nền kinh tế đang bị đình trệ so với nhiều quốc gia khác.

Chiến lược phân phối hợp lý

Điều gì giải thích cho sự thành công của chiến dịch phân phối vaccine của Campuchia? Rõ ràng, diện tích (khoảng 181.000km2) và dân số tương đối nhỏ (16,5 triệu người) của đất nước này là một phần nguyên nhân nhưng không phải tất cả. Báo cáo của Đối tác chiến lược Mekong đã chỉ ra rằng, Campuchia đã áp dụng “kế hoạch phân phối khoanh vùng vaccine rõ ràng và đơn giản dựa trên vị trí, thay theo độ tuổi phức tạp hơn” cũng như việc ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng lớn của cộng đồng, bao gồm lực lượng vũ trang và công chức. Bên cạnh đó, không giống như ở nhiều quốc gia khác, chiến lược phủ sóng vaccine thường vấp phải các phong trào bài vaccine hay thái độ chống đối của một bộ phận không nhỏ dân chúng, người dân Campuchia có thái độ do dự trước vaccine thấp hơn nhiều, và do vậy khá hợp tác với chiến lược tiêm chủng của Chính phủ.

Cung cấp đủ vaccine

Điều quan trọng nữa là Campuchia đã mua sắm đủ vaccine để phục vụ dân số của mình. Theo báo cáo từ Đối tác chiến lược Mekong, quốc gia này đã mua vaccine “bằng mọi cách có thể”, bao gồm tài trợ thông qua cơ sở COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới, cũng như tài trợ song phương và mua trực tiếp từ một số quốc gia.

Cần lưu ý rằng, cho đến nay, phần lớn trong số vaccine (khoảng 27 triệu trong số 30 triệu liều đã nhận được) đến từ Trung Quốc, đối tác chính của Campuchia. Mặc dù đúng là vaccine do Sinopharm và Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất được đánh giá là cho hiệu quả ngăn chặn kém hơn so với vaccine mRNA do Pfizer và Moderna sản xuất, nhưng trên thực tế, vaccine do Trung Quốc sản xuất khi được triển khai ở Campuchia đã chứng minh được hiệu quả khi giúp giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong ở nước này.

Chiến lược mua sắm vaccine của Campuchia phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa Chính quyền của Thủ tướng Hun Sen với Trung Quốc trong hai thập kỷ qua. Bằng cách rót tiền vào xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng ở Campuchia, Bắc Kinh đã dần thay thế các nước phương Tây như là một bên viện trợ phát triển lớn nhất và dần “cởi trói” cho Campuchia khỏi những ràng buộc về nhân quyền thường gắn với viện trợ từ phương Tây.

Trong khi phương Tây có thể nhìn nhận chiến lược mua vaccine của Campuchia như một dấu hiệu nữa cho thấy sự phụ thuộc vào Bắc Kinh của nước này, nhưng họ cũng không thể phủ nhận Chính quyền của Thủ tướng Hun Sen đã có sự lựa chọn thực dụng. Trong bối cảnh các quốc gia phương Tây đang bị chỉ trích vì thái độ “vơ vét và tích trữ quá mức” liều lượng vaccine cho dân số của mình, Campuchia không có lý do gì để từ chối vaccine từ Trung Quốc; đó sẽ là hành động vô trách nhiệm đối với dân số của họ.

Từ góc độ địa chiến lược, điều này cho thấy những thiếu sót trong chiến lược tiếp cận của Mỹ ở Đông Nam Á, Mỹ dường như đang tập trung nhiều vào những tác động tiêu cực từ ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, trong khi cố gắng thể hiện một tầm nhìn được lý tưởng hóa về “một hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ do Hoa Kỳ lãnh đạo” mà Bắc Kinh đang tìm cách thay thế. Thế nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát tràn lan kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan, Mỹ sẽ cần phải hành động nhiều hơn để gây ấn tượng với khu vực.

Đạt Quốc, Theo The Diplomat