Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Bạch Mai: “Chăm sóc bệnh nhân khiến tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa”

Từng muốn bỏ trường Y vì bất ngờ phải chuyển xuống hệ Điều dưỡng khi đang học Bác sĩ đa khoa, TS Nguyễn Thị Lan Anh nói, suốt 4 năm đại học “chưa từng yêu nghề này”. Thế nhưng, tình yêu với nghề điều dưỡng cứ thế tự nhiên, từng bước ăn sâu vào máu thịt, khi chị nhận ra ý nghĩa công việc mình đang làm. Giờ đây, chị Lan Anh lại trở thành người thắp lửa yêu nghề cho rất nhiều điều dưỡng trẻ...

TS Nguyễn Thị Lan Anh sinh năm 1976, quê Đà Nẵng, trong gia đình có cha mẹ cùng là bác sĩ. Mẹ chị là bác sĩ truyền nhiễm, làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng; bố chị từng là Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng.

TS Nguyễn Thị Lan Anh tốt nghiệp cử nhân điều dưỡng khóa đầu tiên của Trường Đại học Y Hà Nội. Chị được giữ lại làm giảng viên ngay sau khi tốt nghiệp, sau đó có nhiều thời gian du học tại nước ngoài và công tác tại các bệnh viện lớn. Hiện nay, TS Nguyễn Thị Lan Anh là Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Bạch Mai, kiêm Trưởng khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Y Hà Nội.

Nữ điều dưỡng khóa đầu tiên Trường ĐH Y Hà Nội: “Chăm sóc bệnh nhân khiến tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa” -0
TS Nguyễn Thị Lan Anh - Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Bạch Mai, kiêm Trưởng khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Liên)

“Bất đắc dĩ” đến với nghề điều dưỡng

- Nghe nói, việc theo học khóa cử nhân Điều dưỡng đầu tiên tại Trường Đại học Y Hà Nội thực tế là điều “bất đắc dĩ” với chị. Cơ duyên này bắt đầu như thế nào?

TS Nguyễn Thị Lan Anh: Thực ra, tôi có mơ ước trở thành bác sĩ từ nhỏ, vì bố mẹ tôi đều là bác sĩ. Năm 1994, tôi lần đầu thi Bác sĩ đa khoa của Trường Đại học Y Hà Nội nhưng không trúng tuyển. Tôi quyết tâm ôn lại 1 năm, tới năm 1995 đỗ cả 3 trường: Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Dược Hà Nội và Khoa Công nghệ Sinh học của Đại học Quốc gia Hà Nội. Thế là, tôi quyết định chọn học Bác sĩ đa khoa của trường Y.

Những năm 1995 và 1996, trường Y có kỳ thi chuyển giai đoạn, sinh viên Y đa khoa nếu không đủ điểm phải chuyển xuống hệ Điều dưỡng. Do một số sơ suất khi làm bài, tôi trượt kỳ thi này và đành ngậm ngùi nhìn các bạn tiếp tục học Bác sĩ đa khoa, còn mình xuống học Điều dưỡng. Thời điểm ấy, tôi khóc “như mưa như gió”. Tôi gọi điện về cho bố mẹ, nói muốn bỏ trường Y. Bố mẹ tôi khuyên, nên gắng ở lại học, vì thi lại đại học lúc này là quá muộn. Tôi đồng ý học Điều dưỡng, nhưng trong lòng vẫn không sao hết buồn.

Suốt 4 năm học, tôi vẫn chưa thấy yêu hay gắn bó với nghề này. Bởi vì đến bệnh viện thực tập, mọi người đều bảo: “Học làm gì cử nhân điều dưỡng tới 4 năm. Ở đây điều dưỡng chỉ học 3 tháng sơ cấp đã có thể chăm sóc được bệnh nhân, sao phải đi học lắm thế”. Thực tế thì họ nói đúng, vì các chị điều dưỡng ở đó chỉ cần học sơ cấp 3 tháng, hoặc trung cấp 1 năm đã có thể đi làm. Nghe vậy nên tôi càng buồn hơn.

Khóa của tôi cũng là khóa đầu tiên Trường Đại học Y Hà Nội mở hệ cử nhân điều dưỡng 4 năm. Tôi còn nhớ ngày ấy, cô Đức - Phó Hiệu trưởng nhà trường rất hay tới lớp tôi động viên, vì biết chúng tôi có nhiều lo lắng.

Vì áp lực lớn như vậy, phần lớn các bạn lớp tôi sau khi học xong đã tiếp tục học chuyển đổi để đi làm bác sĩ, chỉ 1/3 còn theo đuổi nghề điều dưỡng.

- Vậy đến thời điểm nào, chị bắt đầu nhận ra tình yêu với nghề này?

TS Nguyễn Thị Lan Anh: Tôi nhớ đó là vào năm 2003, thời điểm tôi về nước chưa lâu sau khi du học Úc. Khi ấy, tôi đã là giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội, xin vào làm việc theo diện kiêm nhiệm (50% làm việc ở trường, 50% tại bệnh viện) tại bộ phận Hồi sức - Cấp cứu, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cũ - nay đã tách ra thành Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Một lần, trong đơn vị Hồi sức - Cấp cứu có điều trị cho một bé trai 15 tuổi, cũng là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất tôi từng chăm sóc. Bé rất còi cọc và yếu ớt, nhìn rất thương. Do sơ ý, lúng túng khi truyền thuốc cho bé, tôi đã làm trật ven tay, khiến ven phồng to. Tôi tự trách mình, thấy rất buồn và áy náy với bệnh nhi.

Vài ngày sau đó, khi tôi đang vội vã từ bệnh viện chuẩn bị quay trở lại trường Y để kịp giờ giảng, mẹ cháu bé bỗng giữ chặt tay tôi, ánh mắt rất tha thiết. Chị nói: “Xin cô hãy đến truyền ven cho cháu với”. Tôi rất ngạc nhiên, vì trước đó mình đã làm hỏng ven cháu bé và trong Khoa còn nhiều điều dưỡng khác. Lúc này, người mẹ mới bảo: “Cháu nhà tôi được rất nhiều các cô điều dưỡng truyền, nhưng cháu chỉ thích nhất cô thôi”. Thì ra, những lần đến truyền ven cho cháu bé, tôi thường động viên, hỏi han và điều này khiến bé thấy thân thuộc, yêu quý tôi.

Khoảnh khắc đơn giản như vậy, nhưng không hiểu sao tôi thấy tim mình bồi hồi, cảm xúc dâng trào, mắt đỏ hoe. Đó là lần đầu tiên, tôi cảm thấy mình đang làm những điều thực sự có ý nghĩa.

Nữ điều dưỡng khóa đầu tiên Trường ĐH Y Hà Nội: “Chăm sóc bệnh nhân khiến tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa” -0
Điều dưỡng Nguyễn Thị Lan Anh chăm sóc một bệnh nhân nặng

11 nămlàm điều dưỡng tại chuyên Khoa Truyền nhiễm

- Quá nửa số thời gian công tác của chị gắn bó với chuyên khoa Truyền nhiễm. Ai cũng biết làm điều dưỡng trong ngành Truyền nhiễm có nhiều vất vả, phải đối mặt với không ít nguy cơ. Tôi thắc mắc vì sao trong rất nhiều sự lựa chọn, khi ấy chị lại chọn chuyên khoa Truyền nhiễm?

TS Nguyễn Thị Lan Anh: Đúng vậy, tôi có tới 11 năm (từ năm 2003-2014) làm việc tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cũ - nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Mẹ tôi làm bác sĩ Truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Tôi nhớ có lần hỏi mẹ rằng: “Làm khoa Truyền nhiễm, mẹ không sợ bị lây các dịch bệnh à?”. Mẹ tôi vừa cười vừa nói, làm ngành này hình như được miễn dịch kháng lại các bệnh đó, nên mẹ chưa từng bị nhiễm. Bà cũng bảo: “Đi bất cứ nơi đâu, riêng Khoa Truyền nhiễm, đơn vị Truyền nhiễm ở bệnh viện, mọi người đều rất yêu thương nhau”. Tôi nghe và thấy thích ngành Truyền nhiễm từ ấy.

Năm 2003, khi tôi về nước, tìm một bệnh viện để xin vào làm việc theo diện kiêm nhiệm cũng là lúc đại dịch SARS đang bùng phát mạnh mẽ, tại Bệnh viện Việt Pháp đã có một điều dưỡng tử vong.

Lúc ấy, thầy Hoàng Gia - Trưởng bộ môn đầu tiên của Bộ môn Điều dưỡng, Trường Đại học Y Hà Nội dẫn tôi tới xin kiêm nhiệm ở Bộ môn Truyền nhiễm của trường, đang cắm tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cũ. Nhưng Bộ môn lúc ấy không nhận điều dưỡng mà chỉ có nhu cầu nhận bác sĩ. Thế là thầy tôi lại dẫn tôi sang gặp BSCKII Nguyễn Hồng Hà - Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khi ấy đang làm việc tại bộ phận Hồi sức - Cấp cứu của Khoa Truyền nhiễm.

Nghe giới thiệu tôi đi học Thạc sĩ bên nước ngoài về, thầy Hà cản. Thầy bảo: “Em đến đây làm gì cho vất vả. SARS đang bùng, một điều dưỡng Bệnh viện Việt Pháp tử vong rồi”. Nhưng tôi vẫn quyết tâm xin theo. Tôi bảo, mục đích em đến bệnh viện không phải đi kiếm thêm thu nhập mà làm sao phải có được kiến thức thực tế về chăm sóc lâm sàng.

Thực tế, tại bộ phận Hồi sức - Cấp cứu khi ấy, chúng tôi chăm sóc rất nhiều bệnh nhân nặng, từ bệnh nhân HIV, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn tới sốt Dengue hay sốt mò,... Chăm sóc một bệnh nhân nặng như thế thường mất khá nhiều thời gian, từ đánh răng, thay quần áo, thậm chí lau người, thay bỉm, vệ sinh cho người bệnh, thay ga giường,... Nếu bệnh nhân to khỏe, đôi khi phải mất cả tiếng đồng hồ.

“Tôi sẵn sàng làm trên bệnh nhân, dù đó là công việc vất vả nhất”

- Không ít người vẫn nghĩ, điều dưỡng chỉ là phụ tá, giúp việc cho bác sĩ chứ không phải người góp phần hồi phục sức khỏe người bệnh. Nhiều bệnh nhân khi xuất viện cũng chỉ nhớ bác sĩ, còn điều dưỡng luôn là "cái bóng thầm lặng". Có khi nào chị cảm thấy tủi thân, hay chán nghề vì điều này?

TS Nguyễn Thị Lan Anh: Thú thực thì từ khi thực sự bước vào làm nghề điều dưỡng, tôi chưa từng cảm thấy chán nghề. Bởi việc làm trên bệnh nhân, chăm sóc bệnh nhân khiến tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa lắm. Không ai nói với tôi điều ấy, nhưng tôi tự cảm nhận được và rất hạnh phúc.

Có những bệnh nhân HIV thở máy giai đoạn cuối, họ tội lắm, rất cần người hỗ trợ, chăm sóc trực tiếp. Tôi thường không ngại mà luôn nhận chăm sóc những bệnh nhân này, không chờ tới phân công, dù khả năng phơi nhiễm cao. Tôi thấy mình đang làm những việc có ý nghĩa.

Hay khi chuyển sang làm việc tại Đơn vị phẫu thuật tim mạch (C8) của Bệnh viện Bạch Mai, có lần tôi tới chăm sóc một bác bệnh nhân lớn tuổi, vừa phẫu thuật. Từ lúc được chỉ định mổ cho đến khi mổ và đến giai đoạn hậu phẫu, bác vẫn chưa được gặp người nhà nên rất buồn và lo lắng. Mọi việc từ ăn uống tới chải đầu, thay quần áo, bệnh nhân vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào đội ngũ của chúng tôi. Tôi nhớ khi tôi tới gần và hỏi chuyện, bác cứ cầm lấy tay tôi, ánh mắt nghẹn ngào, giống như tôi là điểm tựa, là chỗ dựa duy nhất.

Đó là những điều rất nhỏ, nhưng luôn là động lực khiến tôi không bao giờ có ý định bỏ nghề.

Nữ điều dưỡng khóa đầu tiên Trường ĐH Y Hà Nội: “Chăm sóc bệnh nhân khiến tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa” -0
"Tôi sẵn sàng làm trên bệnh nhân, dù đó là công việc vất vả nhất. Đối với tôi, được giúp bệnh nhân là cuộc sống của mình có ý nghĩa", TS Nguyễn Thị Lan Anh nói. (Ảnh: Nguyễn Liên)

- Là Điều dưỡng trưởng một bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, phụ trách gần 1.800 điều dưỡng, lại phụ trách khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Y Hà Nội, tôi vẫn thấy chị tự tay làm rất nhiều việc nhỏ như gội đầu, lau người, đánh răng cho bệnh nhân, hay đẩy xe đi tiêm. Vì sao dù đã ở cương vị phụ trách, chị vẫn chọn làm những việc được cho là vất vả như vậy?

TS Nguyễn Thị Lan Anh: Đúng là khi có điều kiện, tôi vẫn chạy xuống làm cùng anh em và vẫn làm tất cả những việc như mọi người. Nhiều hôm bận lắm nhưng vẫn tranh thủ chạy xuống dưới Khoa để làm. Thậm chí, nhiều anh em bảo: “Sao Điều dưỡng trưởng bệnh viện lại đi ra gội đầu cho bệnh nhân, tắm cho bệnh nhân, chị để chúng em làm”. Nhưng tôi luôn nói, để chị, chị xuống đây là chị muốn làm.

Bởi khi tự tay gãi đầu cho bệnh nhân, dùng khăn lau cho bệnh nhân, đánh răng cho bệnh nhân,... tôi mới cảm thấy mình thực sự có ý nghĩa.

Nhiều khi, học trò cũng tâm sự rằng nể tôi lắm vì đã là tiến sĩ nhưng cô vẫn đẩy xe tiêm, đi tiêm truyền cho bệnh nhân. Tôi nói, việc đó không có gì đặc biệt, chỉ biết rằng mình làm được gì giúp bệnh nhân thì cứ làm thôi. Tôi sẵn sàng làm trên bệnh nhân, dù đó là công việc vất vả nhất. Đối với tôi, được giúp bệnh nhân là cuộc sống của mình có ý nghĩa.

Tôi thấy biết ơn vì có cơ hội được đảm nhiệm cả 2 vai trò: người điều dưỡng và người thầy

- Có lẽ chính sự nhiệt huyết của chị đã truyền cảm hứng cho học trò của mình thêm yêu nghề điều dưỡng. Nhiều sinh viên, học viên sau đại học ngành Điều dưỡng nói chị là người có ảnh hưởng rất lớn tới các bạn. Có học trò nào để lại cho chị rất nhiều ấn tượng đặc biệt?

TS Nguyễn Thị Lan Anh: Tôi thấy biết ơn vì đã có cơ hội được đảm nhiệm cả 2 vai trò: người điều dưỡng và người thầy. Cả 2 vị trí đều cho tôi những bài học, kinh nghiệm và những cảm xúc riêng. Chính sự tin tưởng, yêu thương của các em sinh viên, học viên là động lực giúp tôi đến giảng đường. Tôi muốn truyền dạy lại tất cả những kiến thức cũng như kinh nghiệm tôi có đến các em.

Đầu năm nay, tôi nhận được bức thư của một học trò cũ và rất bất ngờ. Em ấy hiện là Hiệu trưởng của 1 trường điều dưỡng bên Đức. Trong thư, em tâm sự rằng 11 năm trước có gửi email cho tôi, bởi có những băn khoăn về hướng đi muốn nhờ tôi tư vấn. Khi nhận được thư hồi đáp của tôi, em đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần, để nhắc nhở bản thân mình đừng quên ước mơ học thạc sĩ điều dưỡng, cũng như không bao giờ từ bỏ ước mơ này.

11 năm nay, khi cô bé gặp khó khăn, có hai thứ làm động lực cho em - đó chính là con gái em và những lời nhắc nhở trong thư của tôi. Cuối cùng, cô bé đã thực hiện được ước mơ của mình. Khi đọc những dòng thư ấy, tôi rất xúc động. Xúc động vì học trò tin tưởng mình như thế, dù thú thực, đã quá lâu nên ban đầu tôi không thể nhớ ra cô bé; xúc động vì học trò của mình đã thành công.

- Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 50.000 điều dưỡng để đảm bảo đáp ứng tốt cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Theo chị, để giải quyết thực trạng này, chúng ta cần có những chính sách như thế nào?

TS Nguyễn Thị Lan Anh: Theo tôi, về cơ bản thì sự thừa nhận, sự ghi nhận của xã hội đối với nghề điều dưỡng phải thay đổi. Hiện nay, mức lương khi ra trường của bác sĩ bằng lương của điều dưỡng, đó cũng là sự động viên, nhưng đời sống vẫn là yếu tố quyết định nhiều thứ. Bác sĩ có thể có phòng mạch, có bệnh nhân, có gần như mọi thứ, còn điều dưỡng thì không. Do đó, tôi cho rằng cần quan tâm hơn tới việc đảm bảo đời sống cho điều dưỡng.

Bên cạnh đó, cần đặt người điều dưỡng đúng vị thế của mình. Hiện nay, điều dưỡng đào tạo ở trình độ cử nhân 4 năm, hoặc đào tạo sau đại học nhưng thay vì ở cạnh bệnh nhân, để người bệnh được hưởng lợi thì họ lại phải tập trung cho cả những công việc khác như làm sổ sách, thanh quyết toán,... Cuối cùng, đội ngũ có trình độ ngày càng bị đẩy xa, vị thế trước mặt bệnh nhân của người điều dưỡng ngày càng giảm.

So sánh với nước khác như Úc, khi du học tại ​​Sydney, Úc năm 2003, tôi thấy trong bệnh viện của họ, việc lấy mẫu xét nghiệm đều do kỹ thuật viên có trình độ thực hiện theo một quy trình bài bản. Việc vận chuyển bệnh nhân, đưa bệnh nhân lên cáng do một đội ngũ nam giới khỏe mạnh, chuyên thực hiện vận chuyển phụ trách, điều dưỡng chỉ có nhiệm vụ chỉ huy. Nhưng ở nước ta hiện nay, những công việc đó vẫn do điều dưỡng làm.

Để nâng cao chất lượng chăm sóc và vị thế người điều dưỡng trong mắt người bệnh, tôi cho rằng không chỉ cần trang bị cho họ kiến thức chuyên môn về bệnh học, mà các nhà quản lý cũng cần cung cấp các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh.

Đơn cử, có thể sử dụng các phần mềm bệnh án điện tử thay cho việc ghi chép bằng tay; dùng đèn soi bên hay siêu âm tĩnh mạch giúp đặt kim luồn trong trường hợp bệnh nhân khó lấy ven và các phương án sử dụng đội ngũ kỹ thuật viên chuyên lấy mẫu xét nghiệm, đội ngũ chuyên thực hiện vận chuyển bệnh nhân như nhiều nơi đang áp dụng,...

Cơ chế, chính sách cần hướng tới để giải quyết vấn đề thiếu đội ngũ điều dưỡng gồm nâng cao trình độ cho điều dưỡng, trao quyền cho họ và thừa nhận vai trò của họ.

- Xin cảm ơn TS Nguyễn Thị Lan Anh đã dành thời gian chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân!

Sức khỏe

Người sử dụng thuốc lá điện tử có khả năng bắt đầu hút thuốc lá thông thường cao gấp ba lần người bình thường
Sức khỏe

Người sử dụng thuốc lá điện tử có khả năng bắt đầu hút thuốc lá thông thường cao gấp ba lần người bình thường

Phát biểu tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về kiểm soát thuốc lá của các nước khu vực ASEAN do Bộ y tế tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Việt Nam là một trong số các quốc gia thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua việc ký kết tham gia công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua việc ký kết tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới năm 2004, và thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào năm 2012.

Kết nối cung - cầu, thúc đẩy nuôi trồng, tiêu thụ dược liệu và sản phẩm cổ truyền
Sức khỏe

Kết nối cung - cầu, thúc đẩy nuôi trồng, tiêu thụ dược liệu và sản phẩm cổ truyền

Nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi, đầu tư, bảo tồn, phát triển, phát huy tiềm năng thế mạnh của dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu Việt Nam; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, Cục quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cùng Công ty Cổ phần Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam – VIETFAIR phối hợp tổ chức “Hội chợ Dược liệu, Y Dược cổ truyền và các Sản phẩm từ Dược liệu toàn Quốc lần thứ Hai, năm 2024 – VIETRAMED EXPO 2024”.

Bộ Y tế thông tin làm rõ về chương trình tiêm chủng mở rộng
Sống khỏe

Bộ Y tế thông tin làm rõ về chương trình tiêm chủng mở rộng

Trước nội dung cử tri nhiều địa phương gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khoá XV về phản ánh việc thiếu vaccine tại các cơ sở y tế công lập trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, dẫn đến tình trạng nhiều trẻ em không được tiêm đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi nên nguy cơ nhiễm bệnh cao, Bộ Y tế vừa có văn bản cung cấp thông tin, làm rõ thêm về vấn đề này.