Điều chỉnh tỷ giá phải dựa trên quan hệ giữa VNĐ và USD
Trước tình trạng đồng USD đang mất giá trên thị trường thế giới, đã có ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước nên nới rộng biên độ giao dịch và điều chỉnh tỷ giá VNĐ/USD. Tuy nhiên, THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG TƯ VẤN CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ QUỐC GIA, PGs. Ts. NGUYỄN THỊ MÙI cho rằng: không nên vội vàng nới rộng biên độ giao dịch VNĐ/USD vì trên thực tế, USD chỉ mất giá với các loại ngoại tệ khác chứ không mất giá so với VNĐ.
PV: Có ý kiến cho rằng ở thời điểm hiện nay, Ngân hàng Nhà nước nên nới rộng biên độ giao dịch và điều chỉnh tỷ giá VNĐ/USD. Quan điểm của Phó giáo sư về vấn đề này như thế nào?
PGs. Ts NGUYỄN THỊ MÙI: Trong điều kiện hiện nay, với biên độ tỷ giá mà Ngân hàng Nhà nước cho phép là +/- 5%, hầu hết các ngân hàng thương mại đều mua vào USD kịch trần. Vậy nên đề nghị nới rộng biên độ giao dịch tại thời điểm này là hơi vội vàng và không sát với thực tế biến động sức mua VNĐ và USD trên thị trường Việt Nam. Ở nước ta, đã có thời kỳ biên độ giao dịch tỷ giá được duy trì ở khoảng +/- 7 – 10%. Tuy nhiên, biên độ càng rộng thì càng phức tạp cho công tác quản lý vĩ mô. Do đó, thay vì điều chỉnh biên độ thì nên điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng theo hướng nới rộng tỷ giá và thu hẹp biên độ sao cho phù hợp với những diễn biến của thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, tốt nhất là nới các tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng theo xu hướng khiến đồng VNĐ giảm giá một mức nhỏ để phù hợp với xu thế thị trường, đồng thời giảm một chút biên độ để thuận tiện cho công tác quản lý vĩ mô.
PV: Nhưng ý tưởng nới lỏng tỷ giá ở thời điểm này có mạo hiểm hay không khi mà USD đang mất giá trên thị trường thế giới, thưa Phó giáo sư?
PGs. Ts NGUYỄN THỊ MÙI: Nếu cho rằng USD hiện nay đang mất giá nên Việt Nam không cần nới lỏng tỷ giá mà cứ duy trì như hiện nay là chưa chuẩn xác. Cần nhìn nhận một cách toàn diện hơn. Thực chất USD chỉ mất giá với các loại ngoại tệ khác chứ không mất giá với VNĐ. Việc điều chỉnh tỷ giá phải nhìn nhận dựa trên quan hệ giữa VNĐ và USD chứ không phải dựa trên mối quan hệ giữa các loại ngoại tệ khác so với USD.
Việc điều chỉnh tỷ giá VNĐ/USD phải đạt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và khuyến khích xuất khẩu, trong một chừng mực nhất định giúp các ngành hàng chủ động nhập khẩu nếu thấy cần thiết chứ không phải là hạn chế nhập khẩu hoàn toàn. Tất nhiên, để các công cụ này phát huy tác dụng thì khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá rất cần tạo sự nhất quán trong chỉ đạo và điều hành, thông tin kịp thời và có biện pháp khắc phục những mặt hạn chế của việc điều chỉnh tỷ giá nếu có nảy sinh.
PV: Vậy theo Phó giáo sư, ở thời điểm này nên duy trì biên độ giao dịch tỷ giá ở khoảng nào?
PGs. Ts NGUYỄN THỊ MÙI: Duy trì biên độ giao dịch tỷ giá VNĐ/USD ở khoảng bao nhiêu còn tùy thuộc vào mức độ nới lỏng tỷ giá. Nới lỏng tỷ giá ở mức độ nào thì điều chỉnh biên độ theo mức độ đó, miễn sao sát với thị trường và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại mua được ngoại tệ, và khi cần thiết thì có ngoại tệ dự trữ bán cho doanh nghiệp.
Tỷ giá luôn là vấn đề phức tạp, không chỉ đơn thuần bằng biện pháp hành chính là có thể giữ yên được thị trường, đôi khi còn cần đến những biện pháp kinh tế... Trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của nền kinh tế chưa mạnh, đồng nội tệ vẫn yếu, thì ở một chừng mực nhất định, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân vẫn thiếu niềm tin vào VNĐ nên xu hướng mua vàng, ngoại tệ gửi vào ngân hàng sẽ vẫn gia tăng. Điều này sẽ tác động đến tỷ giá cũng như các yếu tố vĩ mô khác của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, nếu không có những biện pháp tổng thể của nền kinh tế, thậm chí là cả những biện pháp hành chính thì sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có ngoại tệ nhưng không gửi vào ngân hàng do lãi suất quá thấp và sẽ tiến hành mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do theo đúng tín hiệu thị trường. Suy cho cùng, do sức mua của VNĐ chưa ổn định nên hiện tượng đô la hóa ở nền kinh tế Việt Nam còn ở mức độ cao; dù Nhà nước không cho phép nhưng tình trạng quy ra USD khi mua bán hàng hóa, dịch vụ trên thị trường hoặc ngầm giao dịch với nhau bằng USD vẫn diễn ra và Ngân hàng Nhà nước chưa kiểm soát được hết. Kinh nghiệm cho thấy xử lý các vấn đề về lãi suất phải đi đôi với tỷ giá, và ngược lại. Vừa qua đã xảy ra tình trạng thừa tiền gửi bằng ngoại tệ tại các ngân hàng nhưng lại thiếu ngoại tệ đáp ứng cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Dựa trên sự đồng thuận của các ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng đã phải tìm cách kéo lãi suất USD xuống, kéo lãi suất tiền gửi và lãi xuất vay xuống mới khuyến khích được người vay. Thời điểm đó trùng với thời điểm thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 4%, nếu không hạ lãi suất thì doanh nghiệp sẽ không vay USD mà vay VNĐ để hưởng lãi suất thấp.
PV: Theo Phó giáo sư, vào những tháng cuối năm, Việt Nam có gặp sức ép về ngoại tệ không?
PGs.Ts NGUYỄN THỊ MÙI: Khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc ở cả trong và ngoài nước cũng có nghĩa là sản xuất kinh doanh trong nước đã phát triển trở lại và nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ cũng sẽ tăng lên. Do đó Ngân hàng Nhà nước cần chủ động đáp ứng nhu cầu chi trả, thanh toán cho các ngân hàng thương mại. Thực tế các ngân hàng thương mại đã khá nhanh nhạy và đang có xu hướng nhích dần lãi suất tiền gửi USD lên, để chuẩn bị điều kiện hấp thụ được một lượng USD nhất định khi nền kinh tế thực sự khởi sắc trở lại. Đi đôi với việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi theo hướng tăng lên, là lãi suất cho vay bằng ngoại tệ cũng đã được đẩy lên.
Tình trạng căng thẳng về vốn vào thời điểm cuối năm là chuyện bình thường của nền kinh tế cũng như của các ngân hàng. Dự tính được sớm thì có thể chủ động đưa ra các biện pháp ứng phó, sao cho ngân hàng luôn bảo đảm được tính thanh khoản, luôn có đủ nguồn ngoại tệ cho doanh nghiệp khi cần thiết.
PV: Xin cám ơn Phó giáo sư!
Khi giá USD đạt tới mức kỳ vọng sẽ xuất hiện một làn sóng bán USD, các doanh nghiệp, nhà đầu tư thay vì găm giữ USD trên tài khoản tại các ngân hàng với lãi suất thấp sẽ tranh thủ bán USD để chốt lời. Dòng VNĐ gửi vào ngân hàng vì thế sẽ gia tăng và cho phép các ngân hàng thương mại hạ lãi suất VNĐ (cả huy động và cho vay) ngay cả khi gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn chấm dứt. Để khắc phục tình trạng thừa ngoại tệ tiền gửi nhưng lại thiếu ngoại tệ bán cho doanh nghiệp, doanh nghiệp có thu ngoại tệ nhưng không bán cho ngân hàng... cần điều chỉnh tỷ giá, thậm chí cần thu hẹp biên độ (biên độ quá rộng sẽ khiến việc quản lý gặp nhiều phức tạp), giúp giảm kỳ vọng VNĐ mất giá so với USD trong ngắn hạn, thay vì mở rộng biên độ như hiện nay. |