Thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Yên Bái Khóa XIX

Điều chỉnh kịch bản tăng trưởng sát thực tiễn

- Thứ Bảy, 24/07/2021, 13:28 - Chia sẻ
Tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Yên Bái Khóa XIX, các đại biểu đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực. Trong đó, đề nghị tỉnh cần tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; rà soát, cập nhật, điều chỉnh kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm theo hướng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covd-19.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Đánh giá về bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều đại biểu còn băn khăn về những tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh thời gian qua. Việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, đề án còn chậm trễ; kết quả thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Một số đại biểu đề nghị, tỉnh chỉ đạo quyết liệt, triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện bảo đảm các chỉ tiêu, mục tiêu như: Doanh thu từ hoạt động du lịch, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp đối với các trường ngoài công lập. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng khác.

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Yên Bái Hoàng Viễn phát biểu tại phiên thảo luận

Xoanh quanh các chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế tư nhân, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hoàng Viễn cho biết: HĐND tỉnh đã có nghị quyết số 09/2020 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, UBND tỉnh cũng triển khai các đề án hỗ trợ. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp tiếp cận được chính sách còn rất hạn chế, thậm chí có chính sách đến nay chưa thực hiện được, do không có doanh nghiệp đăng ký hoặc chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng được điều kiện hỗ trợ. Vì vậy, các ngành, nhất là ngành chủ trì xây dựng chính sách phải làm rõ được thực trạng triển khai để tìm ra nguyên nhân vướng mắc và có giải pháp cụ thể nhằm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.

Bàn giải pháp để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, đại biểu Giàng A Câu (huyện Trấn Yên) cho rằng: UBND tỉnh cần rà soát kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, nhất là đối với các chỉ tiêu đạt thấp, chỉ tiêu không đạt so với kịch bản. Qua đó, phân tích, dự báo, rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm theo hướng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh và Hướng dẫn số 01 của UBND tỉnh. Mặt khác, UBND tỉnh phải quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển các dự án trọng điểm; lấy đầu tư xây dựng để bù đắp cho một số ngành, lĩnh vực bị thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để kích thích sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt, tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về giảm nghèo, bảo đảm tiến độ làm nhà ở cho hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở.

Đại biểu Giàng A Câu (huyện Trấn Yên) tham gia ý kiến về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Quyết tâm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh 

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để tham luận về các phương pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả nhất. Các đại biểu nhấn mạnh, lực lượng y tế, cùng với quân đội, công an, tổ Covid-19 cộng đồng phải luôn sẵn sàng ngày đêm thường trực với các nhiệm vụ: Giám sát phát hiện, truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế, quản lý. Đồng thời, rà soát, cập nhật các kịch bản phòng chống dịch phù hợp với tình hình; đẩy mạnh triển khai tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch trong Nhân dân; tăng cường ứnng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm khai báo y tế trong công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, triển khai kịp thời tiêm chủng vắc xin cho người dân.

Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hồng Vân cho biết: Từ nay đến tháng 9, nguồn vắc xin về Việt Nam còn hạn chế và Bộ Y tế đang thực hiện ưu tiên cho các tỉnh có dịch nên nguồn vắc xin về Yên Bái còn khó khăn. Mặt khác, tiêm vắc xin cũng chưa phải là tuyệt đối an toàn cho cộng đồng, một số ít trường hợp người đã được tiêm đầy đủ, không mắc bệnh nhưng lại thành người lành mang virus, lây nhiễm âm thầm cho người khác. Vì vậy, toàn thể Nhân dân cần tiếp tục nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tuân thủ thông điệp "5K + vắc xin" của Bộ Y tế.

Các đại biểu tham gia biểu quyết qua phần mềm tại kỳ họp

Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hồng Vân, cần tiếp tục có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, đồng thuận, của Nhân dân. Đặc biệt, để chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử sắp tới đây thành công, sự chung tay, ủng hộ từ toàn thể người dân là điều kiện tiên quyết. Cùng với đó, là quyết tâm của cán bộ ngành y tế với trọng trách quan trọng nơi tuyến đấu chống dịch.

Tại kỳ họp, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến vào các nội dung liên quan đến ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2022 – 2025. Một số đại biểu đề nghị phân định rõ mức điểm của tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới tương ứng với cấp độ đạt được cho phù hợp; việc tính điểm của tiêu chí số thu cân đối ngân sách chỉ theo mức đến 50 tỷ đồng và cứ 10 tỷ đồng được tính điểm tương ứng để khuyến khích các địa phương tăng thu ngân sách…

TRỌNG HIẾU