Điệp khúc tham nhũng “vặt”!

Song Hà 08/11/2022 06:08

Hôm nay, 8.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. Một lần nữa tình trạng tham nhũng “vặt” lại được đề cập trong cả báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác phòng, chống tham nhũng năm nay.

Tham nhũng “vặt” là thực trạng mà người dân, doanh nghiệp phàn nàn nhiều trong thời gian qua. Một số đối tượng tha hóa đã lợi dụng vị trí của mình để “hành” người dân, doanh nghiệp bởi “chi phí bôi trơn”. Các đối tượng đã cố tình gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không khách quan khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp. Điều này vô hình trung trở thành rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trên diễn đàn nhiều kỳ họp Quốc hội, tình trạng này đã được các đại biểu đưa ra mổ xẻ nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Thực trạng này một lần nữa lại được nhắc đến trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. Ủy ban Tư pháp thẳng thắn nhận định, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm; các trường hợp vi phạm thực hiện quy tắc ứng xử tăng đáng kể. Năm 2022 đã xử lý 477 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, tăng 299 trường hợp so với năm 2021.

Tình trạng lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực. “Hiện tượng người dân phải “lót tay” trong giải quyết công việc… là thực trạng xảy ra đã nhiều năm nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời” - báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp chỉ rõ.

Không khó để thấy rằng, "chi phí lót tay" mà người dân, doanh nghiệp đã và đang phải “gánh” mỗi khi tiếp cận với dịch vụ công. Theo báo cáo Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 (SIPAS 2021), có 0,45% người dân, tổ chức bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu (xảy ra ở 46/63 tỉnh, thành phố); 0,14% người dân, tổ chức phản ánh phải nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí trong quá trình giao dịch dịch vụ công (xảy ra ở 22/63/tỉnh, thành phố). Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI 2021) cũng cho thấy, hiện trạng chung chi để có việc làm trong khu vực nhà nước vẫn khá phổ biến ở các địa phương. Tỷ lệ người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công, người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi “lót tay” dao động từ 40% đến 90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố. Điều đáng chú ý là hiện trạng “chung chi” để làm xong thủ tục xin cấp đổi hoặc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn phổ biến.

Trên diễn đàn Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 đang diễn ra, nhiều đại biểu cũng chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về tình trạng này. Người đứng đầu ngành thanh tra cũng thẳng thắn thừa nhận, có tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, đảng viên đối với người dân và doanh nghiệp. Từ thực tế thanh tra cho thấy, sự nhũng nhiễu xảy ra đối với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực hiện thủ tục hải quan, các lĩnh vực về cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy phép khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng và đăng ký kinh doanh… là những lĩnh vực dễ xảy ra trình trạng tham nhũng vặt”.

Dù được "mổ xẻ" ở nhiều kỳ họp của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTG về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, có nhiều cá nhân đã bị xử lý, nhưng tình trạng tham nhũng vặt vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Để người dân, doanh nghiệp không phải "cõng" những chi phí bất hợp lý; để ngăn chặn tham nhũng vặt đòi hỏi cần công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức. Đơn giản hóa và công khai các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Muốn vậy, phải đổi mới, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số trong thực hiện các thủ tục hành chính. Thường xuyên đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, kiên quyết xử lý cán bộ sai phạm khi có hành vi nhũng nhiễu tiêu cực. Có như vậy, tình trạng tham nhũng vặt mới được ngăn chặn, xử lý kịp thời, tránh tình trạng người dân, doanh nghiệp phải chịu gánh nặng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính không đáng có.  

    Nổi bật
        Mới nhất
        Điệp khúc tham nhũng “vặt”!
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO