Diện tích rừng phòng hộ ở nhiều địa phương có xu hướng giảm sút

- Thứ Ba, 13/10/2020, 15:12 - Chia sẻ

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Chính sách, đầu tư và quản lý bền vững hệ thống rừng phòng hộ Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn Quản lý Tài nguyên (Corenarm) phối hợp với Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) tổ chức ngày 13.10 tại Hà Nội.

Theo Giám đốc Trung tâm Corenarm Ngô Trí Dũng, đến nay Việt Nam đang có khoảng 4,64 triệu hecta rừng phòng hộ, bao gồm 3,84 triệu hecta rừng tự nhiên phòng hộ đầu nguồn và các loại hình khác như rừng chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng ven biển, rừng bảo vệ môi trường. Đa số diện tích này được quản lý bởi 231 Ban quản lý rừng phòng hộ thuộc các cấp khác nhau. Bên cạnh đó, có số diện tích nhỏ với khoảng trên 330.000 hecta đang được cộng đồng, các hộ gia đình, lực lượng vũ trang và các bên khác quản lý.

Mặc dù hệ thống rừng phòng hộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo đảm an ninh môi trường quốc gia, song thực tế những năm vừa qua cho thấy các ban quản lý và các chủ rừng phòng hộ đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc duy trì hoạt động hoạt động và quản lý bền vững được giao. Diện tích và chất lượng rừng phòng hộ ở nhiều địa phương có xu hướng giảm sút, bị tác động mạnh mẽ bởi các hoạt động phát triển kinh tế- xã hộ trong khi năng lực và đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng còn rất nhiều bất cập. Bên cạnh đó là nhiều hạn chế về chính sách hưởng lợi từ việc quản lý bảo vệ rừng để tạo động lực cho việc bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng và bảo đảm đời sống kinh tế bền vững cho cộng đồng sống gần rừng nhằm giảm áp lực lên diện tích rừng phòng hộ. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do thực tế việc quản lý cũng như đầu tư cho rừng phòng hộ gần như bị lãng quên, ít được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cũng như các tổ chức quốc tế...

Để khắc phục tình trạng trên, các chuyên gia cũng như đại diện các Ban quản lý rừng cho rằng: cần có chính sách cho hệ thống rừng phòng hộ như yêu cầu lập phương án quản lý bảo vệ rừng, xây dựng đề án tự chủ và chuyển sang cơ chế tự chủ đang cho thấy nhiều bất cập trên thực tế; tăng cường dòng đầu tư cho rừng phòng hộ; cần có nguồn ngân sách đầu tư và phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ từ rừng trồng có chứng chỉ, chính sách kích cầu cơ chế phối hợp, chia sẻ lợi nhuận giữa các đơn vị tư nhân, hộ gia đình... với các chủ rừng nhà nước trong việc đầu tư phát triển rừng trồng là các khía cạnh cần được bàn luận, trao đổi trên cơ sở thực tiễn trước khi hình thành chính sách, chiến lược phát triển cho hệ thống rừng phòng hộ...

Với những chia sẻ, giải pháp được đưa ra để quản lý bền vững rừng phòng hộ Việt Nam, hội thảo chính là diễn đàn nhằm hỗ trợ quá trình hoạch định chinhs ách lâm nghiệp cấp tỉnh và cấp quốc gia trong thời gian tới, đặc biệt cho hệ thống rừng phòng hộ Việt Nam.

Bảo Hân